Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chữa dứt điểm viêm họng mạn tính

BS Nguyễn Hùng| 23/06/2010 04:18

(HNM) - Tôi rất hay bị viêm họng hạt, đã uống thuốc và đốt họng nhưng không khỏi. Xin hỏi bệnh viêm họng hạt là gì và vì sao bệnh hay tái phát?

(Chị Hoài Anh - Đông Anh)

Viêm họng hạt là một dạng của viêm họng mạn tính, do tình trạng viêm họng kéo dài dẫn đến sự phát triển quá độ của các tổ chức lympho ở thành sau họng, từ đó tạo nên các hạt. Triệu chứng của bệnh là ho húng hắng hoặc ho từng cơn, khi nuốt có cảm giác bị vướng, đau ở cổ, buồn nôn. Những người hay uống rượu, hút thuốc lá hoặc nói nhiều thì triệu chứng trên sẽ tăng hơn. Quan sát bên trong họng sẽ thấy niêm mạc họng đỏ, dày, ướt, có những hạt ở thành sau họng.

Bệnh viêm họng hạt thường có nguyên nhân từ viêm mũi xoang mạn tính, đặc biệt là viêm xoang sau. Dịch xuất tiết chảy từ các xoang xuống thành sau họng làm cho niêm mạc thành sau họng bị lớp chất nhầy bao phủ, khó hoạt động để thực hiện các chức năng sinh lý là làm sạch. Chính lý do này khiến vi khuẩn dễ phát triển, làm cho họng bị viêm thường xuyên. Ngoài ra, viêm amiđan mạn tính cũng thường đi đôi với viêm họng hạt vì viêm amidan thực chất cũng là một dạng viêm họng khu trú ở amidan. Hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản cũng là một trong những nguyên nhân. Tỷ lệ viêm họng hạt ở những người suy gan, rối loạn dạ dày ruột, rối loạn nội tiết cao gấp 3 lần những người khác.

Để điều trị bệnh, ở giai đoạn quá phát, bệnh nhân phải đốt các hạt lympho bằng laser, sau đó xịt khí dung nước biển, uống bổ sung vitamin A, C nhằm tăng sức đề kháng. Phòng bệnh bằng cách hạn chế uống rượu, hút thuốc; tránh tiếp xúc với hơi độc, khói bụi. Đặc biệt, khi bị viêm họng cấp cần điều trị dứt điểm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chữa dứt điểm viêm họng mạn tính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.