Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chữa được “bệnh” đùn đẩy trách nhiệm?

Hà Phong| 07/09/2013 06:22

(HNM) - Nhằm phát huy vai trò của người dân trong việc tham gia quy trình xây dựng, thực thi chính sách, ngày 14-2-2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20 về tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.

TS Lê Vệ Quốc, Phó Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính - Bộ Tư pháp, khẳng định dù Chính phủ đã ban hành cơ chế khuyến khích người dân kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền về quy định hành chính "có vấn đề", nhưng do quy trình giải quyết hồ sơ còn theo lối thủ công, gây tốn kém về thời gian xử lý nên nhiều người vẫn chưa mặn mà, đặc biệt là bà con vùng nông thôn. Từ năm 2011 đến hết quý I năm 2013, các bộ, ngành, địa phương mới chỉ tiếp nhận được 1.692 kiến nghị về quyết định hành chính. Trong khi đó, với khoảng 90 triệu dân, tính toán sơ bộ, mỗi ngày cơ quan hành chính nhà nước các địa phương tiếp nhận khoảng 600 nghìn giao dịch. Vì vậy, về lý thuyết, nhu cầu phản ánh, kiến nghị những bất cập về cơ chế chính sách cũng như quá trình giải quyết công việc liên quan của người dân đến cơ quan hành chính nhà nước là rất lớn.

Trên thực tế, không chỉ người dân mà cả doanh nghiệp đều chịu sức ép cũng như sự phiền hà bởi các luật lệ, chính sách mâu thuẫn. Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại 8.053 doanh nghiệp dân doanh và 1.540 doanh nghiệp FDI cho thấy, quy trình đầu tư, đất đai, xây dựng là những nhóm được đánh giá tốn thời gian triển khai nhất. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư dầu khí Toàn Cầu (GP Invest), than phiền môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang ngày càng khó khăn do sự phức tạp của thủ tục. GP Invest hiện có dự án tại Hà Nội, Phú Thọ và TP Hồ Chí Minh nhưng không ở đâu thủ tục chấp thuận đầu tư được hoàn thành trong 60 ngày theo luật định. Thậm chí, có dự án phải mất tới 14 tháng.

Cần nêu rõ người tiếp nhận, thời hạn giải quyết

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến người dân, tổ chức chưa hăng hái đóng góp ý kiến vì chưa được thể hiện vai trò làm chủ của mình thông qua giám sát toàn bộ quá trình xử lý hồ sơ của cơ quan hành chính nhà nước. Đó cũng chính là lý do dẫn tới sự tùy tiện, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, chưa nói đến tình trạng tham ô, nhũng nhiễu. Một lý do khác được Thứ trưởng Lê Hồng Sơn nhắc tới là, việc nắm bắt thông tin, tình hình xử lý kiến nghị của cơ quan chức năng chủ yếu thông qua báo cáo định kỳ nên chỉ mang tính chất tổng hợp trên giấy, không bảo đảm chính xác.

Để xử lý vấn đề này, Bộ Tư pháp đã xây dựng Đề án thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính với tổng kinh phí 77,8 tỷ đồng. Đề án triển khai từ năm 2014, ước tính sẽ tiết kiệm được 570 tỷ đồng chi phí giao dịch thủ tục qua việc tất cả thông tin được cập nhật tự động từ những nơi có hệ thống thông tin "một cửa" điện tử. Như vậy, thay vì công văn, thư từ, tới đây dữ liệu giải quyết chuyển đi chuyển lại giữa các cơ quan được làm trực tuyến, giảm chi phí hành chính, tăng độ chính xác. Khi người dân, doanh nghiệp gửi hồ sơ hành chính, dữ liệu sẽ được cập nhật lên hệ thống. Từ đó, các cơ quan dễ dàng "lọc" được ra một cá nhân phải thực hiện bao nhiêu thủ tục một năm, ở địa phương nào, thủ tục nào phải thực hiện nhiều nhất… để có cách giải quyết. Nhờ phần mềm này, người dân, doanh nghiệp cũng có thể kiểm soát được tình hình thụ lý, quy trình xử lý hồ sơ của các bộ phận chức năng đến đâu.

Nhiều người dân cho rằng, sự ra đời của đề án là rất cần thiết. Có thể coi đây là công cụ giúp phòng ngừa tiêu cực, tạo điều kiện để Nhà nước phản ứng trước các chính sách mâu thuẫn một cách nhanh, hiệu quả. Để đề án được triển khai hiệu quả, ông Lê Quốc Hữu, đại diện Tập đoàn FPT, kiến nghị quy định cơ sở pháp lý, giúp người dân làm chủ khi thực hiện việc truy cập vào hệ thống cơ sở. Đồng thời, đề án cần nêu rõ, ai là người tiếp nhận hồ sơ và cơ chế phối hợp, thời điểm giải quyết những kiến nghị, tố cáo cho từng vụ việc cụ thể. Đề xuất này có cơ sở bởi trong việc giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay các hồ sơ đăng ký kinh doanh hiện hành, mặc dù người dân và tổ chức đều nhận được giấy hẹn trả kết quả nhưng thực tế có quá nhiều trường hợp bị lỗi hẹn. Khi bị phản ứng, các cơ quan cùng có trách nhiệm xử lý hồ sơ đổ lỗi cho nhau và không loại trừ trường hợp người đứng đầu dung túng, tiếp tay cho sự thất hứa ấy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chữa được “bệnh” đùn đẩy trách nhiệm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.