Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài Chính, hiện Cục Quản lý giá đang tiến hành kiểm tra việc tăng giá sữa bột dành cho trẻ em từ 6 tuổi trở xuống. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ sở kết luận việc tăng giá bất hợp lý.
Hiện tại, Cục quản lý giá vẫn chưa có cơ sở để kết luận việc tăng giá sữa là bất hợp lý hay không.
Những ngày gần đây, nhiều nhãn hiệu sữa đang đua nhau tăng giá gây hoang mang cho người tiêu dùng. Trước Tết, một loạt hãng sữa ngoại như: Abbott, Mead Johnson... đã tăng giá bán với mức tăng dao động 5-10%. Đầu tháng 2/2011, hàng loạt sữa bột, sữa nước, trong đó có Vinamilk đã điều chỉnh giá bán từ 5-7%. Nestlé Việt Nam cũng cho biết cuối tháng này cũng sẽ nâng giá bán dòng sản phẩm Lactogen, dự kiến khoảng 10%. Ngoài ra, một số đại lý sữa Nan cũng cho biết, họ được thông báo mặt hàng này sắp tăng giá...
Trước tình hình này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, hiện Bộ Tài chính đang phân cấp cho các Sở Tài chính tiến hành kiểm tra mặt hàng sữa dành cho trẻ em từ 6 tuổi trở xuống.
Còn đối với sữa nhập khẩu dành cho trẻ em dưới sáu tuổi thì qua kê khai hải quan sẽ đối chiếu được giá nhập. “Chúng tôi sẽ phải thành lập các đoàn kiểm tra xem các cơ cấu tính giá: giá nhập, chi phí hộp, đóng gói, quản lý…Từ đó mới quyết định được họ tăng giá hợp lý hay không”, ông Thỏa nói.
Cũng theo ông Thỏa, hiện chỉ có Vinamilk đăng ký điều chỉnh giá và TP HCM chịu trách nhiệm kiểm soát doanh nghiệp này. Còn những nhãn hiệu sữa khác không đăng ký giá, sữa nước và một số loại sữa khác họ có quyền tăng giá theo thị trường nếu yếu tố chi phí đầu vào tăng.
Tuy nhiên, hiện tại, Cục vẫn chưa có cơ sở để kết luận việc tăng giá sữa bất hợp lý.
“Chúng ta không quy định giá các mặt hàng đó bắt buộc đăng ký giá nên nếu có trường hợp tăng đột biến thì phải tổ chức các đoàn kiểm tra, giao cho Trung ương kiểm tra các doanh nghiệp chiếm thị phần lớn, các địa phương kiểm tra các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để xem mức độ tăng giá có phù hợp không? Chẳng hạn có những doanh nghiệp họ nhập khẩu đến 90%, trong khi giá thế giới tăng thì trong trường hợp đó người tiêu dùng cũng phải chia sẻ ở mức độ nào đó với doanh nghiệp. Như năm ngoái chẳng hạn, chênh lệch tỷ giá quá cao thì các doanh nghiệp cũng phải tăng giá…” - ông Thỏa bày tỏ quan điểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.