(HNM) - Đến nay dịch cúm gia cầm A/H5N1 cơ bản đã kiểm soát, nhưng dịch cúm A/H5N6 lại xảy ra hồi cuối tháng 8 tại 2 hộ chăn nuôi 1.550 con vịt tại thôn Xuân Mỵ, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, ổ dịch cúm A/H5N6 còn xảy ra trên đàn vịt 1.100 con, làm chết 200 con của một hộ chăn nuôi tại thôn Đồng Nhơn Nam, xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Phó Cục trưởng Cục Thú y Đàm Xuân Thành cho biết, hiện hệ thống thú y địa phương không đồng nhất và thiếu ổn định nên công tác chống dịch gặp nhiều trở ngại, đặc biệt tại các tuyến xã, phường. Thực tế cho thấy, những tỉnh, thành phố có mạng lưới thú y xã do chi cục thú y quản lý trực tiếp thì công tác phát hiện, báo cáo và xử lý ổ dịch thường kịp thời và hiệu quả. Còn những tỉnh có mạng lưới thú y xã do UBND xã quản lý thì thường giấu dịch, không báo cáo để lấy thành tích. Khi dịch lây lan rộng mới báo cáo cơ quan cấp trên nên thiệt hại nặng về kinh tế. Công tác phòng, chống dịch tại nhiều địa phương vẫn chưa thực sự chủ động, chủ yếu do thiếu kinh phí triển khai. Hầu hết các chi cục thú y có xây dựng kế hoạch phòng chống dịch và được phê duyệt, cấp kinh phí, tuy nhiên còn một số chi cục chưa được phê duyệt, chưa có kinh phí thì trông chờ vào hỗ trợ của trung ương. Công tác xử lý ổ dịch còn chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật như: vứt xác động vật mắc bệnh ra môi trường để dân tự chuyển đi chôn. Một số địa phương không lập chốt hoặc thiếu chốt kiểm dịch, nhân lực trực chốt thiếu nên việc quản lý ổ dịch không thường xuyên. Việc tiêm phòng bao vây không tuân thủ đúng kỹ thuật, một số nơi sử dụng không đúng chủng loại vắc xin, không bảo quản vắc xin khi đi tiêm hoặc giao vắc xin cho dân tự tiêm làm giảm hiệu quả của phòng chống dịch. Việc tiêu độc khử trùng ở một số nơi còn làm theo kiểu hình thức nên dịch lây lan rộng, khó kiểm soát... Ông Dương Xuân Tĩnh - Trạm trưởng Trạm Thú y Thường Tín (Hà Nội) cho biết, hiện nay khó khăn nhất trong công tác phòng chống dịch bệnh là kiểm soát việc giết mổ nhỏ lẻ, đặc biệt ở địa bàn huyện Thường Tín có chợ gia cầm Hà Vỹ, trung bình một ngày tiêu thụ khoảng 30-40 tấn gia cầm mang ở các tỉnh, nên việc kiểm soát cũng rất khó khăn, nan giải.
Theo Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông, từ nay đến cuối năm là thời điểm các hộ dân đang tập trung tái đàn để cung cấp thực phẩm vào dịp Tết dương lịch và Nguyên đán, trong khi thời tiết thuận lợi cho nhiều chủng vi rút gây bệnh xuất hiện. Do đó, các địa phương cần nâng cao biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó chủ động sử dụng ngân sách của địa phương để mua vắc xin hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Khi có dịch bệnh phát sinh, các địa phương phải tổ chức công bố dịch và báo cáo Bộ NN&PTNT để được hỗ trợ kịp thời vắc xin bao vây ổ dịch. Để công tác phòng chống dịch được người dân thực hiện triệt để, các địa phương phải rà soát và công khai mức hỗ trợ, thủ tục hỗ trợ khi có GSGC tiêu hủy để người dân biết và hợp tác trong phòng chống dịch; tổ chức giám sát phát hiện sớm ổ dịch, tiêu hủy triệt để đàn GSGC mắc bệnh để tránh lây lan. Bên cạnh đó, các địa phương cần triển khai giám sát, chủ động lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện sự lưu hành vi rút cúm A/H5N1, H5N6, H7N9 trên đàn gia cầm, đặc biệt là gia cầm lậu, không rõ nguồn gốc.
Thời điểm cuối năm, việc buôn bán gia cầm lậu sẽ rất phức tạp, các đơn vị của ngành nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông, vận chuyển sản phẩm động vật từ các tỉnh biên giới về trong nước tiêu thụ. Chủ động chỉ đạo người dân tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đạt tỷ lệ trên 80% đối với các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh để giảm thiểu thiệt hại khi có dịch bệnh xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.