Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ trương, chính sách thiếu cơ sở kinh tế - xã hội sẽ khó mang lại hiệu quả

Đan Nhiễm| 13/04/2014 05:51

(HNM) - Sớm ban hành Luật Tiếp cận thông tin; có chính sách cụ thể cho vấn đề vận động chính sách để ngăn ngừa lợi ích nhóm; xây dựng văn hóa phản biện... là những điều cần và đủ để đẩy mạnh công tác phản biện xã hội, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.



Xung quanh vấn đề này, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Bích San - Phó Tổng Thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).

PGS.TS Phạm Bích San.


Chỉ phản biện tốt khi không bị lợi ích chi phối

- Thưa ông, gần đây có một số văn bản quy phạm pháp luật (ví dụ: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng thi đại học được cộng điểm; quay phim chụp ảnh CSGT phải xin phép...) ngay từ khâu dự thảo đã bị phê phán rất nhiều về tính khả thi, sau đó phải bãi bỏ. Là người đã có nhiều năm nghiên cứu về xã hội học, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Tôi cho rằng ở đây có sự khác biệt về quan điểm, góc độ tiếp cận vấn đề của hai đối tượng khác nhau. Nhà quản lý thì căn cứ vào những thông tin, sự hiểu biết của mình nên mới đưa ra những quyết định gây tranh cãi. Đối tượng tiếp nhận là công dân nói chung lại xuất phát từ thực tiễn đời sống phong phú nên khi thấy bất hợp lý họ sẽ phản ứng hoặc không thực hiện. Nói như vậy để thấy, một chủ trương, chính sách nếu thiếu cơ sở xã hội và cơ sở kinh tế thì sẽ khó có thể mang lại hiệu quả như mong muốn.

- Đằng sau kiểu làm chính sách đó rõ ràng có câu chuyện phản biện xã hội (PBXH) chưa được lắng nghe và sự tham gia tư vấn PBXH của trí thức vẫn chưa mạnh mẽ?

- Đúng vậy! Thực chất, hoạt động phản biện là quá trình thu thập và đánh giá thông tin, nhưng trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam quả thực cũng có nhiều cái khó để tiến hành một cuộc phản biện theo đúng quy trình. Tùy từng vấn đề phản biện và người đặt hàng phản biện, các thông tin có thể được cung cấp rất đầy đủ hoặc một phần hoặc không có.

- Nhiều năm theo dõi và phụ trách công tác PBXH tại VUSTA, theo ông đâu là lý do thành công để một số phản biện về các dự án lớn của đất nước như: Thủy điện Sơn La, quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, đường Hồ Chí Minh qua rừng Cúc Phương... được chấp nhận?

- Tôi nghĩ vẫn phải xuất phát từ hàm lượng kiến thức, tri thức trong những phản biện đó vì đó thực sự đều là những công trình khoa học lớn, do các chuyên gia đầu ngành thuộc nhiều lĩnh vực cùng nghiên cứu. Khi kết luận phản biện có lập luận, minh chứng cụ thể thì rõ ràng dễ được lắng nghe, chấp nhận. Thứ hai là họ phải phát biểu với tư cách độc lập, không bị chi phối bởi những lợi ích phía sau và cũng không bị ảnh hưởng bởi các hệ thống thứ bậc hành chính. Trong bất kỳ bộ máy chính quyền nào trên thế giới cũng sẽ có những định hướng của mình và nếu bạn là người trong bộ máy đó thì bạn phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định. Tôi vẫn muốn nhấn mạnh trong hoạt động phản biện thì điều quan trọng với nhà khoa học là phải trung thực, có cái tâm trong sáng.

- Với những công trình VUSTA tham gia phản biện, việc cung cấp thông tin có đầy đủ không, thưa ông?

- Tùy từng vấn đề phản biện và người đặt hàng phản biện, các thông tin có thể được cung cấp rất đầy đủ hoặc một phần hoặc không có. Ví dụ như "Quy hoạch Thủ đô Hà Nội" được các cơ quan có trách nhiệm cung cấp rất đầy đủ, nhưng dự án "điện hạt nhân" thì chúng tôi lại phải tự tìm kiếm là chính. Phía cơ quan quản lý thường chỉ cung cấp một phần của thông tin và khó có thể bảo đảm họ sẽ cung cấp đầy đủ khi thông tin trong nhiều trường hợp đồng nhất với vấn đề lợi ích.

Vận động chính sách không phải là đưa phong bì

- Việc thiếu thông tin để phản biện phải chăng có phần do nhà quản lý cho đó là những thông tin "nhạy cảm"?

- Xin nói rõ hơn, các thông tin trong các phản biện thường tạo dư luận, nếu không bình duyệt cẩn thận thì việc công bố sẽ có thể gây tác động rất lớn đến dư luận xã hội. Việc thông tin được công bố đến đâu; ai chịu trách nhiệm trước; công bố thế nào hiện vẫn còn chưa thống nhất.

- Theo ông, để phản biện được lắng nghe thì phải tiến hành vận động chính sách?

- Hoàn toàn đúng. Một phản biện tốt không có nghĩa là dễ dàng được chấp nhận bởi ở đó hàm lượng kiến thức rộng lớn không phải ai đọc, nghe, xem là có thể ngấm được ngay. Do đó phải cần đến hoạt động mà tất cả các nước trên thế giới đều thực hiện là vận động chính sách.

Ở nước ta, chúng ta thường đánh đồng hoạt động vận động chính sách là lobby, mà lobby lại thường được nghĩ là đưa phong bì. Hiểu vậy là không đúng, mà phải coi đây là chiến dịch đưa thông tin đến các lãnh đạo, bởi họ thường rất bận và không phải lúc nào cũng có đủ thông tin để có thể đưa ra được những quyết sách xác đáng nhất. Theo tôi, vận động chính sách là hoạt động quan trọng trong tương lai và tiến tới chúng ta nên xây dựng, ban hành Luật Vận động chính sách để luật hóa quy định. Bởi trên thực tế, ranh giới giữa vận động lành mạnh và không lành mạnh rất mờ nên một số nước đã xây dựng đạo luật để điều chỉnh hành vi này; đồng thời ngăn ngừa những nhóm lợi ích có thể chi phối với mục đích cá nhân.

- PBXH ở ta được nhiều người hiểu là nói ngược với cơ quan quản lý. Trong quá trình thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện chắc chắn không tránh khỏi việc nói ra những điều "khó nghe". Vậy làm thế nào để nhà khoa học "giữ được mình" mà vẫn có những phản biện xứng đáng?

- Tôi nghĩ, nhà khoa học trước hết phải giữ đúng vai trò là sử dụng kiến thức chuyên sâu để tham gia phản biện và những ý kiến đưa ra phải có bằng chứng chứ không thể là cảm tính dễ rơi vào tình trạng tin đồn. Tuy nhiên, ý kiến của nhà khoa học cũng có thể có sai lầm nhưng khi đã đóng góp ý kiến phải trên cơ sở cái tâm, hiểu biết, muốn nói đúng điều mình nghĩ và không vụ lợi thì không đáng trách. Nhà quản lý có tiếp nhận ý kiến phản biện hay không là quyền của họ và họ sẽ chịu trách nhiệm trước nhân dân về những việc làm của mình.

- Tôi cũng có theo dõi một số tranh luận và thấy rằng không ít người thường hay tán dương tranh luận dân chủ (chung chung), nhưng lại thường không thích bị cá nhân (cụ thể) nào đó tranh luận, phản đối mình (mặc dù có thể mình sai), nhất là những người dưới quyền. Ở góc độ nào đó thì đây là một sắc thái của PBXH. Câu chuyện đó nói lên điều gì?

- Ở đây đụng đến câu chuyện văn hóa phản biện và điều này thì cần phải được đào tạo từ nhỏ. Nền tảng phản biện là rất quan trọng và chúng ta vẫn mắc tình trạng là ý kiến của mình bao giờ cũng đúng và ý kiến người khác mà khác mình thì là không được. Văn hóa phản biện chưa hình thành, sự tôn trọng ý kiến lẫn nhau trong tranh luận đang yếu và hình thành xu hướng "ném đá hội đồng", "tâm lý đám đông" mà không dựa vào những căn cứ khoa học. Điều này phần nào làm nản lòng những người có tâm huyết.

Cần sớm có Luật Tiếp cận thông tin

- Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ quyết sách thiếu hiệu quả tại các nước phát triển khá thấp và lý do là chính quyền đã tận dụng được các Think Tank (tổ chức dân lập, hoạt động độc lập với chính quyền), có tính chất tư vấn hiến kế cho tầng lớp lãnh đạo quốc gia. Nhận định của ông về vấn đề này ra sao?

- Điều đó rất chính xác. Bởi các tổ chức này thực chất đều là những đơn vị nghiên cứu khoa học rất chuyên nghiệp. Bởi vậy, các nước phát triển họ phân biệt rất rõ ràng, các đơn vị nghiên cứu chính sách, vận động chính sách đều là các Think Tank. Mỗi tổ chức này sẽ có một đường hướng phát triển, mục đích khác nhau và tận dụng những hệ thống đó phục vụ cho lợi ích của mình. Bằng cách đó, họ đưa tri thức khoa học vào hoạt động quản lý rất chuyên nghiệp và những tư vấn được đưa ra cơ bản đều dựa trên những căn cứ xác đáng.

Tôi nghĩ, vai trò giống như các tổ chức Think Tank ở nước ngoài chính là các viện nghiên cứu chiến lược, chính sách mà bộ, ngành nào ở nước ta cũng có. Các đơn vị khoa học này phải khẳng định là rất cần thiết nhưng do là một đơn vị trực thuộc nên chắc chắn rằng sẽ chịu chi phối bởi quan điểm của lãnh đạo bộ, ngành đó và tư duy độc lập không phải dễ gì thực hiện được. Hệ quả là công tác tư vấn chính sách sẽ bị ảnh hưởng nếu không muốn nói là rất hạn chế. Trong khi đó, vị trí của các cơ quan này là phải vượt lên trước tư duy quản lý hành chính.

- Như ông nói là giữa các Think Tank cũng sẽ có sự ganh đua ảnh hưởng quan điểm và điều đó hình thành nên sự mâu thuẫn. Nhưng đây là "mâu thuẫn trong tiến trình phát triển"?

- Đúng vậy. Trong sự phát triển của xã hội luôn hàm chứa sự mâu thuẫn vì mỗi cá nhân căn cứ vào trình độ, sự hiểu biết có thể có những suy nghĩ, hành động khác nhau. Trên bình diện quản lý, các chính sách mới luôn hình thành để sửa đổi những chính sách không còn phù hợp là điều đương nhiên. Nói vậy để thấy việc hình thành các Think Tank đúng nghĩa là rất cần thiết để việc ban hành các chính sách ngày càng tốt hơn. Nhưng theo tôi, nếu các tổ chức này có nhân sự là cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách thì e rằng khó có thể đưa ra được những ý kiến độc lập.

- Ở góc độ nào đó, việc phát triển của công nghệ kéo theo sự ra đời của mạng xã hội và đây trở thành một kênh thông tin lớn hiện nay? Theo ông, đó có phải là một kênh phản biện và cần nhìn nhận mạng xã hội trong vấn đề này như thế nào?

- Tôi cho rằng, chúng ta không thể đi ngược xu thế. Điều quan trọng là nhà quản lý nhìn nhận vấn đề này như thế nào và đó là quyền của họ. Nhưng ngược lại nếu không có chính sách điều chỉnh tốt thì rất dễ dẫn đến sự lạm dụng. Ví dụ: Facebook là mạng xã hội có đông người sử dụng nhất hiện nay nhưng không có nghĩa là cá nhân nào thích nói văng mạng cũng được vì chúng ta đã thấy rõ có nhiều trường hợp đề cập đến người khác dẫn đến họ phải tự tử, trầm cảm. Như vậy, cái gì cũng cần có giới hạn nhưng không có nghĩa là chúng ta bỏ qua mạng xã hội với vai trò là một kênh nắm bắt thông tin nhưng thông tin đó có phải là phản biện không thì cần "bộ lọc". Phản biện đúng vẫn phải dựa trên nền tảng kiến thức vấn đề định bàn tới và cái tâm trong sáng.

- PBXH cùng với giám sát xã hội là một việc làm hợp chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và rất có ý nghĩa trong điều kiện phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân ở nước ta hiện nay. Theo ông, cần bảo đảm các điều kiện gì để cho hoạt động này có chỗ đứng lâu dài trong xã hội?

- Tôi cho rằng chúng ta cần làm được hai vấn đề. Trước hết, cần giới hạn những "địa hạt" không phản biện hoặc phản biện "kín". Thứ hai là quyền tiếp cận thông tin, ban hành Luật Tiếp cận thông tin để hình thành một hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể. Tôi cũng lấy làm tiếc khi Luật Tiếp cận thông tin không còn được đặt lên bàn Quốc hội như một luật cần làm gấp nữa. Đó là một thiệt thòi cho xã hội nói chung và PBXH nói riêng...

- Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ trương, chính sách thiếu cơ sở kinh tế - xã hội sẽ khó mang lại hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.