(HNM) - Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã chú trọng xây dựng nhiều mô hình giáo dục tiên tiến và đã thu được những thành công bước đầu. Trong năm học 2019-2020 này, mô hình trường học thông minh đang được xây dựng và triển khai trên địa bàn thành phố để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho thành phố.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2020, ngành Giáo dục thành phố tập trung triển khai mô hình giáo dục thông minh với việc xây dựng Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh và hệ thống trường học thông minh tại các trường trung học phổ thông: Chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền và Nguyễn Du. Các trường học thông minh được triển khai với các tiêu chí: Thi trực tuyến, hướng nghiệp trực tuyến, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giảng dạy; giáo viên đều được trang bị tin học văn phòng quốc tế, tiếp cận tiếng Anh từ giáo viên nước ngoài; phủ sóng 3G trong toàn trường. Giờ lên lớp, học sinh được sử dụng thiết bị cầm tay thông minh để tìm kiếm thông tin, kết nối với giáo viên; triển khai thư viện thông minh - thư viện điện tử, học bạ điện tử...
Tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du, internet đã phủ sóng toàn trường. Các hình thức thi trực tuyến, hướng nghiệp trực tuyến... được áp dụng ngày một thường xuyên. Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, việc mỗi trường chủ động hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho trường học thông minh là quan trọng, nhưng sẽ đồng bộ hơn nếu toàn thành phố nhất quán các phần mềm quản lý trường học.
Thấy rõ những lợi ích mang lại, nhiều trường khác trong thành phố cũng đã chủ động thực hiện các tiêu chí của trường học thông minh. Tại các trường trung học cơ sở: Đức Trí, Việt Úc (cùng ở quận 1); Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đinh Thiện Lý (quận 7)… học sinh đã có thể tham gia học trực tuyến theo các dự án giáo dục với cách tiếp cận dạy học qua lớp học ảo, tài liệu số, thời gian học tập, không gian học tập được mở rộng mọi lúc, mọi nơi.
Em Trần Thị Ngọc Tiến, học sinh lớp 7A5 Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (quận 3) chia sẻ: “Mô hình phòng thực hành STEM đã thực sự tạo ra môi trường hấp dẫn cho học sinh, với những tiết học rất thú vị”. Còn ông Dương Văn Dần, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8 cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố, các trường trong quận chủ động đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, đưa các nội dung, chuyên đề dạy học, ngoại khóa liên quan đến lĩnh vực tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo - AI vào các hoạt động trong trường phổ thông...
Trong công tác quản lý, nhiều trường đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc, như: Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu học sinh, giáo viên; quản lý chuyển trường và tiếp nhận học sinh; quản lý công tác tài chính, tài sản; quản lý thư viện, quản lý thi và các hoạt động chuyên môn...
Tiếp tục hoàn thiện mục tiêu xây dựng trường học thông minh trong năm học 2019-2020 tại thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản về học bạ điện tử vì hiện tại, học bạ điện tử chưa có khung pháp lý điều chỉnh. "Trong năm học 2019-2020, Sở sẽ đưa phần mềm quản lý vào hoạt động. Với ứng dụng này, cán bộ quản lý chỉ cần theo dõi qua điện thoại là biết tình hình học tập của học sinh trong các trường do mình quản lý" , ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.