Ngành Giáo dục Hà Nội chú trọng xây dựng mô hình câu lạc bộ pháp luật trong trường học; nhân rộng mô hình “Phiên tòa giả định” cho học sinh.
Theo kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2025 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa ban hành, một trong những nội dung quan trọng được tập trung triển khai là tuyên truyền về quy tắc ứng xử trong môi trường giáo dục, quy tắc ứng xử ở nơi công cộng, quy tắc ứng xử trên môi trường mạng, quy tắc ứng xử trong gia đình.
Đồng thời, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tăng cường giáo dục ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt việc tốt trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội.
Để thực hiện những nội dung này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề ra 10 giải pháp trọng tâm năm 2025, trong đó có việc chú trọng xây dựng mô hình câu lạc bộ pháp luật trong trường học; nhân rộng mô hình “Phiên tòa giả định” cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn, giải đáp pháp luật trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử.
Cũng trong năm 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa thi tìm hiểu kiến thức pháp luật; tọa đàm chuyên đề về giáo dục pháp luật; đẩy mạnh tổ chức các hoạt động trải nghiệm phù hợp lứa tuổi, gắn giáo dục pháp luật với hình thành kỹ năng sống cho học sinh nhằm củng cố kiến thức pháp luật đã học trong chương trình, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong tìm hiểu, vận dụng kiến thức pháp luật của học sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.