(HNM) - Năm 2011 là năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2011-2013. Với dự toán chi ngân sách của Bộ GD-ĐT tăng khiêm tốn so với năm 2010, chỉ là 2,9%, các nhà trường cùng Bộ đang còn rất nhiều bài toán cần lời giải.
Chỉ tiêu tuyển mới ĐH, CĐ chính quy tăng 6,5%
Chiếm phần lớn nhất trong ngân sách chi thường xuyên là phần kinh phí để các trường thực hiện nhiệm vụ trọng yếu đào tạo với hơn 1.320 tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm 2010. Năm 2011, chỉ tiêu tuyển mới ĐH, CĐ chính quy tăng 6,5%, TCCN tăng 10%. Đây là con số đáng chú ý vì trong 10 năm qua, chỉ tiêu này liên tục tăng tới 12%. Theo ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ sẽ ưu tiên dành chỉ tiêu tăng thêm cho các trường có bổ sung đội ngũ giảng viên, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Chỉ tiêu vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai được xác định theo tỷ lệ chung bằng 60% so với chỉ tiêu chính quy. Với một số ngành nghề, một số trường tự chủ tài chính, chỉ tiêu có thể được tăng hơn.
Một trong những vấn đề được các cơ sở đào tạo đặc biệt quan tâm là nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất. Ảnh: Linh Tâm |
Cùng với mức hỗ trợ ngân sách nhà nước cấp và mức thu học phí chính quy tăng theo lộ trình đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014 được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 6-2009, thì chi phí đào tạo bình quân cho 1 HSSV đã được nâng lên so với năm 2010. Mức tăng cao nhất là đào tạo bậc tiến sĩ, từ 10,29 triệu đồng/năm đến 12,04 triệu đồng/năm, tăng 52%; tiếp đến là bậc thạc sĩ, tăng 34%. Kinh phí đào tạo một SV bậc ĐH, CĐ từ 5,2 triệu đồng/năm đến 6,53 triệu đồng/năm, tăng 17%.
Ngân sách dành 38 tỷ đồng để hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị cho 6 trường tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên (ĐH Mở TP Hồ Chí Minh, Viện ĐH Mở Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh). Các chương trình tiên tiến của các trường trực thuộc Bộ được chi hơn 99 tỷ đồng. Ngân sách cũng chi cho đào tạo theo cơ chế đặc thù cho Trường ĐH Việt Đức và Trường ĐH KH-CN Hà Nội là 28 tỷ đồng…
Cục Cơ sở vật chất, Thiết bị trường học và Đồ chơi trẻ em (CSVCTBTH-ĐCTE) thì cho biết, năm 2011, Bộ hạn chế tối đa khởi công mới và dự kiến chỉ cho mở mới 8 dự án. Cục trưởng Trần Duy Tạo khẳng định, sẽ không phân bổ dự toán cho các dự án không có trong quy hoạch được duyệt; chưa đúng, đủ thủ tục theo quy định; còn nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư; chưa giải phóng mặt bằng, các dự án chưa thật sự cấp bách, không mang lại hiệu quả.
Lình xình xây dựng cơ bản
Nếu như mức tăng ngân sách là vấn đề miễn bàn thì cả các lãnh đạo Bộ và đại diện của nhiều trường lại bày tỏ sự bức xúc quanh chuyện "đau đầu" muôn thuở: quản lý, quyết toán các dự án đầu tư, đấu thầu trong xây dựng cơ bản, trang thiết bị. Theo ông Trần Duy Tạo, năm 2010, các đơn vị trực thuộc Bộ có 91 dự án đã hoàn thành nhưng các chủ đầu tư vẫn chưa tập hợp được đầy đủ hồ sơ để trình Bộ thẩm tra và phê duyệt quyết toán. Tổng số vốn đầu tư chưa được quyết toán là gần 2.018 tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2001-2004. Ông Tạo cho biết, Bộ GD-ĐT đã bị Chính phủ phê bình vì không có báo cáo công tác đầu tư 6 tháng cuối năm do các trường không nộp báo cáo. Công tác quản lý dự án của các trường còn yếu về nhiều mặt. Phần lớn các ban quản lý chưa đủ năng lực về chuyên môn và số lượng thành viên theo quy định.
Về phía các trường, ông Nguyễn Hồng Anh, ĐH Quy Nhơn thừa nhận: Trong quá trình thực hiện các dự án, nhà trường cũng như rất nhiều trường khác, gặp khó khăn rất lớn bởi không có phòng, ban chuyên về vấn đề này, phải thuê tư vấn, giám sát. Đồng ý với nhận định trên, ông Thái Bá Cần, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết thêm: Trường tôi chưa có đơn vị thi công nào làm đúng thời hạn. Dù có thuê giám sát, quản lý nhưng mọi khó khăn cuối cùng vẫn đổ lên đầu trường khi dự án bị đình trệ, không kịp hoàn thành.
Đại diện một số trường như ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội lại tỏ ý băn khoăn về quy định chỉ ưu tiên phân bổ ngân sách cho những trường nào giải ngân nhanh, không có dự án tồn đọng. Bởi theo họ, có những dự án dây dưa qua 2-3 đời hiệu trưởng rồi, người quản lý dự án hay các nhà thầu đều đã nghỉ, việc giải quyết là cực kỳ khó khăn.
Để chia sẻ những khó khăn với các trường, hiện Cục CSVCTBTH-ĐCTE đã tăng nhân sự bộ phận thẩm định quyết toán lên 3 lần. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là sự bất hợp tác của nhiều trường. Ông Cục trưởng kêu: Hiệu trưởng nào cũng muốn tránh việc quyết toán. Có trường từ 3 năm nay không hề quyết toán công trình nào.
Trước những khó khăn chung liên quan đến ngân sách, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị các đơn vị ưu tiên chú trọng đến chất lượng hiệu quả, dù có thể chấp nhận chỉ tiêu tăng trưởng không cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.