Để tiếp tục phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô trong thời kỳ mới, những năm vừa qua, việc tạo môi trường để văn nghệ quần chúng phát triển sôi động song hành cùng xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp luôn được quan tâm. Nhiều ý kiến mà Hànộimới Cuối tuần ghi lại cho thấy điều này.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:
Cần có sự tháo gỡ về mặt luật pháp
Khi đầu vào khó tuyển được những người như chúng ta mong muốn thì đương nhiên đầu ra cũng không như kỳ vọng. Việc này cần được giải quyết bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau, một cách thấu đáo. Đầu tiên, cần có chính sách đãi ngộ hợp lý hơn với văn nghệ sĩ, các chính sách về học bổng... để từ đó tăng sức hút đầu vào tại các trường văn hóa - nghệ thuật. Chúng ta cũng cần có sự ưu đãi với chế độ lương trong các đơn vị văn hóa - nghệ thuật. Những người học xong có thêm cơ hội việc làm trong các cơ quan, nhà hát.
Bên cạnh đó, cần có sự thay đổi trong việc tuyển người đi đào tạo ở nước ngoài, sao cho họ có thời gian để được học ngoại ngữ và khi trở về được trọng dụng tốt hơn. Tôi nghĩ rằng, chúng ta không thiếu người tài nhưng nếu có được môi trường tốt, điều kiện làm việc tuyệt vời thì họ mới có thể phát huy được khả năng của mình.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Nghị định, chính sách liên quan đến đãi ngộ trong văn hóa - nghệ thuật. Tuy nhiên, chính sách này đang gặp những khó khăn, vướng mắc bởi các Luật Công chức, Luật Viên chức hay các quy định khác của Luật Lao động, liên quan đến tuổi nghỉ hưu. Trong khi đó, nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù. Chẳng hạn như trong lĩnh vực xiếc, múa..., tuổi nghề có hạn. Những đặc thù ấy phải được thể hiện trong những văn bản luật khác nhau. Đó cũng là lý do mà chúng tôi luôn nhấn mạnh: Để phát triển văn hóa - nghệ thuật, không chỉ là luật, quy định trực tiếp về lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật mà còn cần có những thay đổi về chính sách, luật ở những lĩnh vực có liên quan, có như thế thì mới tháo gỡ được khó khăn của văn hóa - nghệ thuật.
Đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai - Trưởng khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội:
Khơi dậy niềm tự hào, khát khao nghệ thuật
Tôi cho rằng, Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thể hiện sự nhìn nhận sáng suốt của Đảng và Nhà nước đối với các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực sân khấu truyền thống. Theo đó, nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn như chèo, tuồng, cải lương, kịch múa, múa dân gian dân tộc, rối, xiếc... được xếp vào danh mục những nghề nặng nhọc, độc hại và có chính sách hỗ trợ là rất đúng. Các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này phải mất bao nhiêu năm rèn luyện, từ bé đến lớn, nhưng có những ngành tuổi nghề lại rất ngắn ngủi như xiếc, múa. Như vậy, cần phải có chính sách để khuyến khích, hỗ trợ cho những người nghệ sĩ đó, với mục tiêu lâu dài là duy trì và phát triển ngành nghệ thuật.
Khi nói đến nghệ thuật truyền thống, trong đó có nghệ thuật tuồng thì hầu hết các bạn trẻ hiện nay sẽ không hứng thú. Trong khi đó, có thể do vẫn có sự bay bổng, ít khuôn mẫu nên nghệ thuật chèo vẫn có người theo học. Các bạn trẻ bây giờ tiếp cận những xu thế mới nhanh, mạnh và họ bị hấp dẫn bởi những điều khác. Yêu thích và làm nghề là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Vì thế, cần có chiến lược dài hơi và cần sự phối hợp, chỉ đạo từ các bộ, ngành quản lý, tạo điều kiện hỗ trợ về tri thức và kinh tế, hỗ trợ nghề ngay từ khi các bạn ấy là sinh viên; cần sự kết nối giữa nhà trường và các đơn vị nhà hát trong việc đào tạo.
Nghệ thuật truyền thống nói riêng, nghệ thuật nói chung luôn có tính “cha truyền con nối”. Khi họ thấy nghề này được đảm bảo, được gìn giữ, được trân trọng thì họ sẽ khuyến khích con cháu mình tiếp nối đam mê. Thứ nữa là phải tìm về các vùng đất có truyền thống, tìm cách khơi dậy khát khao nghệ thuật trong giới trẻ thì mới mong có được những lớp diễn viên đắm đuối với nghề. Nghề nào cũng vất vả nhưng tôi vẫn tin rằng, nếu chăm chỉ thì sẽ đủ sống.
Tôi có một khoảng thời gian được làm việc cùng diễn viên tại các nhà hát dân ca ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Có một thực tế là: Có những người theo nghề rất lâu, nhưng họ chỉ có bằng trung cấp. Và, đương nhiên là họ sẽ bị thiệt thòi về chế độ lương. Trong khi đó, trường trung cấp ở tỉnh không thể có khả năng cấp bằng đại học. Tôi nghĩ rằng, cần có chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của nhà trường kết hợp với Sở Văn hóa các tỉnh để tạo nên các thế hệ nghệ sĩ vừa có nghề, vừa đáp ứng được tiêu chuẩn ngày càng cao của các đơn vị quản lý nghệ thuật.
Ông Ngô Lê Thắng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam:
Có cơ chế sử dụng nhân lực hợp lý
Chỉ tiêu mỗi năm của chúng tôi là tuyển sinh 45 sinh viên. Năm nay, nếu tính cả vòng sơ tuyển thì có hơn 9.300 hồ sơ. Chúng tôi đã đi khắp Hà Nội và các tỉnh lân cận để tuyển sinh trực tiếp, với nam từ 11 - 18 tuổi, nữ từ 11 - 15 tuổi và trải qua 3 vòng: Sơ tuyển, trung tuyển, phúc tuyển. Số lượng đăng ký đông, chúng tôi phải tuyển rất kỹ, căn cứ vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, sự cân nhắc của gia đình. Rào cản lớn nhất vẫn là từ phía phụ huynh, nhiều người không để cho con theo nghề xiếc bởi các cháu phải xa gia đình từ năm 11 tuổi, mọi thứ còn nhiều bỡ ngỡ.
Ngoài các điểm mới được quy định trong Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH, học sinh theo học ngành Xiếc đã được hưởng ưu tiên miễn giảm 70% học phí từ trước. Tôi nghĩ rằng, các đoàn xiếc cần có chế độ ưu đãi để thu hút diễn viên. Trong vài năm gần đây, theo tôi được biết thì các đoàn lấy người rất khó. Các em chọn hướng đầu quân cho các công ty tổ chức sự kiện, giải trí, du lịch, thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng, trong khi đó, nếu về các đoàn xiếc nhà nước thì chế độ lương không cao. Hiện nay, xiếc vẫn là ngành nghề đặc thù, khó tuyển sinh dù xã hội có nhu cầu. Có những khóa, người học tốt nghiệp ra trường đã được các công ty tổ chức sự kiện đến tuyển dụng luôn. Làm thế nào để thu hút được những diễn viên trẻ có tiềm năng, từng đoạt các giải cao trong những kỳ liên hoan chuyên nghiệp ở lại trường tham gia công tác giảng dạy cũng như đầu quân cho các đoàn xiếc công lập? Đó là câu hỏi cần lời giải sớm trong bối cảnh mưu cầu hạnh phúc là điều chính đáng của các em.
Có một điều nữa mà chúng tôi đã đề cập từ lâu: Nếu như diễn viên chèo, tuồng, kịch hát dân tộc tuổi đời càng cao, kinh nghiệm biểu diễn nghệ thuật càng nhiều thì với các ngành như xiếc, múa, tuổi nghề của diễn viên rất ngắn. Nhiều khi lực lượng đang trực tiếp cống hiến, đang độ tuổi sung sức lại không có “chỗ” để vào biên chế. Như vậy, cơ chế phải thoáng hơn trong quản lý, thu hút nhân lực, tổ chức biểu diễn, đãi ngộ diễn viên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.