Trưa 29-8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp ông Alok Kumar Sharma, Bộ trưởng Chính phủ Anh, Chủ tịch Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) đang thăm làm việc tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh ông Alok Kumar Sharma trở lại Việt Nam để trao đổi về hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy việc thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng giữa Việt Nam và một số đối tác phát triển.
Cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành thời gian cho cuộc tiếp, ông Alok Kumar Sharma cho biết, đây là chuyến thăm thứ ba của ông tới Việt Nam sau 18 tháng, thể hiện sự coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam; cho biết, ông đã thảo luận với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà với nhiều nội dung rất hữu ích, như chiến lược chống biến đổi khí hậu quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính, Quy hoạch điện VIII, thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050…
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, cũng là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về tài chính, công nghệ và năng lực giống như các nước đang phát triển khác, Việt Nam quyết tâm triển khai các cam kết tại COP26, trong đó có cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Nhấn mạnh đây là cam kết chính trị có trách nhiệm, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây cũng là chủ trương, mục tiêu của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong các nỗ lực chung toàn cầu.
Chính phủ Việt Nam đã thông qua một loạt văn bản quan trọng, đó là Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Về lĩnh vực năng lượng, Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) theo hướng khai thác tối đa và hợp lý nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện như nguồn khí tự nhiên, năng lượng tái tạo; giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than…
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Chủ tịch COP26 đã thúc đẩy để Chính phủ Anh, Liên minh châu Âu (EU) và một số đối tác phát triển khác hỗ trợ tiến trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam thông qua đàm phán Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo, thúc đẩy lộ trình giảm điện than càng nhanh càng tốt, COP26 có kế hoạch phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam tổ chức một cuộc hội thảo kỹ thuật về vấn đề này trong thời gian tới. Nhất trí với ý kiến của Chủ tịch COP26, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, với việc tổ chức hội thảo là rất cần thiết để hai bên chia sẻ, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, dự liệu những nội dung mới phát sinh cũng như góp phần tăng cường sự tin cậy, tôn trọng và lắng nghe lẫn nhau.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu một số nội dung liên quan đến chuyển đổi năng lượng như: Vấn đề công nghệ, kinh nghiệm, thể chế pháp lý, nguồn lực, chi phí của nhà nước, của nhân dân, doanh nghiệp thực hiện trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Từ đó, Việt Nam mong muốn lắng nghe kinh nghiệm các nước phát triển đối với lĩnh vực này, kinh nghiệm trong tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Nhấn mạnh đến yếu tố công bằng, Chủ tịch Quốc hội mong rằng, trong Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, Chính phủ Anh, EU và một số đối tác phát triển khác sẽ có những cam kết mạnh mẽ hỗ trợ một cách lâu dài, bền vững để Việt Nam có thể vừa bảo đảm an ninh năng lượng, vừa giảm phát thải, vừa giải quyết được các vấn đề xã hội liên quan. Nêu rõ mọi tiến trình đàm phán đều rất khó khăn, phức tạp, đặc biệt là đàm phán về một nội dung quan trọng như chuyển đổi năng lượng công bằng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chuyến thăm Việt Nam lần này của Chủ tịch COP26 tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy tiến trình này.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, Quốc hội Việt Nam đã có kế hoạch hành động để thiết kế khung khổ về thể chế cho quá trình chuyển đổi năng lượng, quá trình xây dựng các quy hoạch; quyết định bố trí các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và cho quá trình chuyển đổi năng lượng nói riêng; thực hiện giám sát tối cao quá trình thực thi pháp luật trong lĩnh vực này. Do đó, Quốc hội sẽ phối hợp cùng Chính phủ quyết tâm tổ chức thực hiện bằng những việc làm cụ thể.
Chia sẻ về những quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Alok Sharma bày tỏ cảm ơn Việt Nam và các quốc gia đã có những cam kết rất mạnh mẽ tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050; đồng thời cho biết, an ninh năng lượng là vấn đề quan tâm chung của nhiều quốc gia, nhiều quốc gia tại châu Âu đã đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Ông Alok Kumar Sharma đồng ý với Chủ tịch Quốc hội về yếu tố công bằng trong chuyển đổi năng lượng. Về chi phí, giá năng lượng tái tạo, ông Alok Kumar Sharma chia sẻ, giá cả năng lượng mang tính giai đoạn, sẽ có thời điểm giá năng lượng tái tạo rẻ hơn. Ví dụ, hiện tại, giá bán buôn năng lượng khí đốt ở Anh và một số quốc gia khác đã tăng lên đáng kể, nên giá điện gió thậm chí còn rẻ hơn. Do vậy, COP26 mong muốn thúc đẩy phát triển điện gió, điện mặt trời hay điện hạt nhân.
Nhân dịp này, ông Alok Kumar Sharma bày tỏ mong muốn Việt Nam xem xét, cập nhật quy định của pháp luật để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng; hy vọng Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng sẽ có vai trò rất quan trọng để hiện thực hóa những cam kết; mong Việt Nam và các đối tác của Việt Nam sẽ cùng chung tay với COP26 trong tiến trình đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.