Trưa 9-12 (theo giờ địa phương), tiếp tục chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến với Tổng thống Cộng hòa Tartastan (Liên bang Nga) - ông Rustam Minnikhanov.
Tại cuộc hội kiến, chào mừng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, Tổng thống Minnikhanov khẳng định Tatartstan coi trọng quan hệ với Việt Nam, một quốc gia bạn bè truyền thống với mối quan hệ đã được thử thách qua nhiều năm tháng.
Tổng thống Cộng hòa Tartastan cảm ơn sự ủng hộ của lãnh đạo Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các địa phương, coi đây là yếu tố quan trọng trong phát triển quan hệ giữa hai bên. Tổng thống nhắc lại chuyến thăm Hà Nội vào tháng 9-2014 và chuyến thăm thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2017. Trong chuyến thăm 2014, nhiều thỏa thuận hợp tác phục vụ phát triển quan hệ giữa hai bên đã được ký kết. Trong năm 2015, Tổng thống Tatarstan đã cùng Thủ tướng LB Nga Dmitry Medvedev thăm Việt Nam.
Tổng thống Cộng hòa Tartastan cho biết quan hệ kinh tế, thương mại hai bên hiện chưa tương xứng với tiềm năng, kim ngạch thương mại song phương mới chỉ đạt 25 triệu USD. Do đó, hai bên cần thúc đẩy quan hệ mạnh mẽ hơn nữa để tăng cường quan hệ thương mại. Tổng thống Cộng hòa Tartastan cũng đã giới thiệu về những tiềm năng của Tatarstan. Đây cũng là nơi có nhà máy sản xuất xe vận tải Kamaz. Hai bên cũng có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực lọc hóa dầu, nông sản, y tế, nhựa, polymer tổng hợp, quang học, nén khí, nano, sinh học và nông nghiệp. Tatarstan cũng quan tâm tới công nghệ thông tin, thể hiện qua việc đã xây dựng Công viên Công nghệ Thông tin (IT Park).
Tổng thống Minnikhanov đã nhấn mạnh những lĩnh vực khác mà hai bên có thể hợp tác như: giáo dục, khoa học, du lịch. Tatarstan đã có quan hệ hợp tác về giáo dục với Việt Nam, đã đón nhận khoảng 90 sinh viên Việt Nam và con số này có thể tăng thêm trong thời gian tới. Tại Tatarstan có cộng đồng người Việt Nam sinh sống và học tập. Tatarstan thường xuyên tổ chức ngày dân tộc, ngày Tatarstan, trong đó có ngày Việt Nam. Tatarstan đã tham gia tổ chức các hoạt động như Thế vận hội mùa Hè, thể thao dưới nước thế giới, các cuộc thi kỹ năng thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Nhân dân Việt Nam mãi ghi nhớ sự ủng hộ và giúp đỡ mà nhân dân Nga đã dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ tăng cường hơn nữa hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Nga. Chủ tịch Quốc hội cho rằng quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và Nga hiện phát triển rất tốt đẹp với độ tin cậy cao. Hai bên thường xuyên trao đổi Đoàn cấp cao, cấp bộ, ngành và địa phương, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên bang Nga đang phát triển tích cực kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu có hiệu lực từ tháng 10-2016. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 4,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2017; trong 9 tháng năm 2019 đạt 3,4 tỷ USD. Hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước còn có thể được đẩy mạnh hơn nữa, tương xứng với quan hệ truyền thống tốt đẹp, tiềm năng và mong muốn của hai bên.
Trong năm 2019 và 2020, hai nước tổ chức nhiều hoạt động như Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt - Nga (1995-2019) và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1950-2020).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Việt Nam cũng rất chú trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Liên bang Nga. Cộng hòa Tatarstan là một trong những khu vực kinh tế phát triển nhất Liên bang Nga, có mức độ công nghiệp hóa cao với những ngành công nghiệp mũi nhọn như sản xuất xe tải Kamaz, hóa chất, máy bay dân dụng và trực thăng, hóa thực phẩm, dệt may, sản xuất đồ gỗ và đã có một số hợp tác với Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng trong thời gian tới, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch giữa Tatarstan với Việt Nam và các địa phương của Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Việt Nam cam kết tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp Nga, trong đó có các doanh nghiệp của Tatarstan và Kazan kinh doanh, làm ăn lâu dài, ổn định tại Việt Nam.
Về hợp tác giữa các địa phương, Chủ tịch Quốc hội cho biết hiện nay có nhiều địa phương của nước Nga có hình thức quan hệ kết nghĩa với Việt Nam như Hà Nội - Moscow, thành phố Hồ Chí Minh - Saint Peterburg, Khánh Hòa – Saint Peterburg, Nghệ An – Ulyanov, không chỉ ở các thành phố lớn mà cả giữa các địa phương giàu tiềm năng khác của hai nước. Chủ tịch Quốc hội mong muốn với sự ủng hộ của Tổng thống, trong thời gian tới, sẽ được chứng kiến mối quan hệ kết nghĩa tương tự giữa thành phố Kazan với các thành phố của Việt Nam, giữa Cộng hòa Tatarstan với các địa phương Việt Nam, trong đó có tỉnh Kiên Giang.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn Tatarstan và Việt Nam thúc đẩy hợp tác du lịch, văn hóa cũng như giao lưu nhân dân. Với cộng đồng người Việt tại thành phố Kazan khoảng 1.000 người, Chủ tịch Quốc hội mong Tổng thống Cộng hòa Tartastan tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm ăn ổn định theo quy định của pháp luật, hòa nhập với cộng đồng sở tại.
Tổng thống Cộng hòa Tartastan Minnikhanov cho rằng về hợp tác du lịch, hai bên đều có những yếu tố thuận lợi như thiên nhiên tươi đẹp và điều kiện khí hậu nên sẽ cùng tạo điều kiện tốt cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ, mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Tổng thống Cộng hòa Tartastan cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các sinh viên Việt Nam theo học tại Tatarstan. Để thúc đẩy quan hệ giữa hai bên, Tổng thống cho rằng vai trò của hai cơ quan lập pháp là rất quan trọng. Ông cũng nhấn mạnh sẽ quyết tâm thực hiện kết nghĩa địa phương như đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.