Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ tịch Quốc hội: “Cứ thêm một ông cấp phó là có một dây đi kèm”

Ngọc Thành| 16/04/2015 07:50

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh điều này, đồng thời cho rằng nên quy định cứng số lượng cấp phó trong Luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh điều này, đồng thời cho rằng nên quy định cứng số lượng cấp phó trong Luật.


Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi sắp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tới đây quy định cụ thể số lượng cấp phó ở Bộ, cơ quan ngang bộ và các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ.

Theo đó, tối đa số Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là 5, trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; số lượng cấp phó của tổng cục tối đa là 4; số lượng cấp phó của vụ, văn phòng, thanh tra, cục và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 3.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng)

Thiếu cấp Phó... đi họp?

Cho rằng quy định như dự thảo luật là hợp lý, đại biểu Quốc hội Lê Nam - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Có người nói Thứ trưởng và cấp phó ở sở, ngành không đủ người đi họp. Nhưng cứ chạy theo thế này không biết bao nhiêu cho đủ. Do đó nên quy định ấn định một số lượng”.

Đại biểu Trần Du Lịch - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh thì lưu ý: “Nguy hiểm hiện nay là biến cấp phó thành cấp hành chính. Ta muốn giảm cấp phó thì phải nâng trách nhiệm quản lý Nhà nước của Tổng cục trưởng, Cục trưởng, vụ trưởng. Quản lý nhà nước lĩnh vực đó là ông trưởng chịu chứ không phải ông phó chịu”

Theo đại biểu, ở địa phương không phải việc gì dễ là ông Giám đốc sở làm, còn khó thì đẩy lên Ủy ban và muốn lên Ủy ban thì phải qua một cấp là ông phó chủ tịch “ngâm” cả tuần, cả tháng. Với Bộ cũng có tình trạng tương tự.

“Đây là vấn đề phải khắc phục ngay trong luật này. Tôi đọc dự thảo chưa thấy nâng vai trò trách nhiệm. Chỗ này khắc phục được thì ta mới bớt phó được”, đại biểu Trần Du Lịch nêu ý kiến. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Lâm Đồng thì nêu rõ trước đây quy định 4 phó và khi cần thiết mới tăng do người có thẩm quyền quyết định. Việc quy định như thế đã “tạo điều kiện” cho Bộ có thời điểm có gần chục phó. “Anh em cứ nói vui rất nhiều phó giúp việc nên trưởng đi chơi, ít phó để vắt chân lên cổ chạy mà làm. Đề nghị nên quy định giới hạn cấp phó và ít phó thôi!”.


Ông Thuyền cũng đặt vấn đề, vì sao các nước rất ít phó mà làm rất tốt còn mình nhiều phó nhưng làm chưa hiệu quả? Quan điểm tăng phó để tăng công việc là không đúng. Cái chính là lựa chọn con người xứng đáng làm phó.

Đại biểu đề nghị mỗi Bộ chỉ nên 4 Thứ trưởng, còn Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là 5, tổng cục 3 và vụ, viện, văn phòng là 2; đồng thời nêu quan điểm: “Trong luật cán bộ công chức chẳng có quy định nào hàm vụ trưởng, hàm trưởng phòng, hàm phó phòng. Luật không hề có mà khi thi hành cứ vận dụng hết sức linh hoạt thì biến tướng nhiều chuyện. Do đó luật phải quy định cứng, nhiều phó quá chưa chắc đã tốt”.

“Không phải vì lắm Tổng cục mà có nhiều Thứ trưởng”

Cho rằng có tình trạng quá nhiều cấp phó do luật quy định chưa chặt chẽ, nhưng đại biểu Danh Út (đoàn An Giang) - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị nên cân nhắc thêm vì quy định số lượng cấp phó như dự thảo luật có phần hơi khô cứng.

“Nhất trí mỗi Bộ không quá 5 Thứ trưởng nhưng thực tiễn hiện nay một số bộ đa ngành rất lớn, nếu chỉ khoanh lại trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì một số bộ như Bộ NN-PTNT, Bộ Ngoại giao găp khó. Do đó cần cân nhắc thêm một số bộ”, đại biểu đề nghị.

Ở một góc độ khác, đại biểu Ngô Văn Minh, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tuy đồng tình cao với thiết kế quy định cấp phó nhưng đề nghị cần có đánh giá tác động: “Tại sao số lượng không quá 5 Thứ trưởng? Rà soát các bộ, cơ quan ngang bộ xem có bao nhiêu phó ở từng bộ và luật ra đời có hiệu lực sẽ giảm bao nhiêu cấp phó? Việc đó ảnh hưởng đến chức trách nhiệm vụ của Chính phủ ra sao?”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi cho ý kiến về nội dung này nhấn mạnh: “Một Thứ trưởng thường phải phụ trách hai, ba Tổng cục chứ kiêm luôn Tổng cục thì Thứ trưởng làm gì? Như thế thì dù có 8 đến 9 Thứ trưởng cũng không đủ. Không nhất thiết nhiều Thứ trưởng để bao hết Tổng cục. Có những trường hợp đặc biệt như Bộ Ngoại giao bổ nhiệm hàm Thứ trưởng để đi làm Đại sứ nhưng ở nhà làm Phó thì chỉ cần 5 là tối đa. Đẻ ra một ông cấp phó là sẽ có một dây đi kèm”./.


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội: “Cứ thêm một ông cấp phó là có một dây đi kèm”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.