Đối ngoại

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3: Thúc đẩy kết nối, hợp tác khu vực

Nguyễn Thúc 17/10/2023 07:14

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) lần thứ 3 tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) từ ngày 17 đến 20-10.

Chuyến công tác quan trọng này của Chủ tịch nước thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với các sáng kiến kết nối, hợp tác, trong đó có BRI vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phồn vinh tại khu vực và trên thế giới.

file3.qdnd.vn-data-images-0-2023-10-15-upload_2105-_trungtam0.jpg
Bố cục cảnh quan Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 phía trước Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Chinanews.com

Tháng 10-2023, sau một thập kỷ triển khai BRI với nhiều thành tựu đáng chú ý, Trung Quốc đã công bố Sách Trắng “Chung tay xây dựng BRI: Thực tiễn quan trọng trong xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”. Theo văn kiện này, trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2022, tổng khối lượng xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và các nước hợp tác BRI đạt 19,1 nghìn tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 6,4%. Đầu tư hai chiều giữa Trung Quốc và các nước cũng vượt 380 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc là hơn 240 tỷ USD. Bắc Kinh cũng đã ký hơn 200 văn kiện hợp tác về Sáng kiến Vành đai và Con đường với hơn 150 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế ở 5 châu lục.

Những thành tựu trên của BRI là kết quả của một hành trình dài hơi. Năm 2013, với mong muốn hiện thực hóa mục tiêu trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại và giàu mạnh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra nhiều kế hoạch, sáng kiến lớn, trong đó có BRI. Với nhiều điều chỉnh chiến lược kể từ khi ra đời, sáng kiến tới nay tập trung vào ba tổ hợp chính: Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa trên đất liền (SREB); Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI (CMSR) và Con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR). Ưu tiên “năm kết nối và ba cộng đồng”, gồm: Kết nối chính sách, hạ tầng, thương mại, tài chính, giao lưu nhân dân; cộng đồng cùng quan tâm, cộng đồng cùng vận mệnh và cộng đồng cùng trách nhiệm, BRI hướng đến việc mở các kênh kết nối Trung Quốc với thế giới, thông qua mạng lưới hệ thống đường bộ, đường sắt, đường biển và các tuyến cáp quang dọc theo sáu hành lang.

Dư luận quốc tế đánh giá, BRI sau một thập kỷ đã đạt nhiều thành tựu, góp phần mở ra không gian mới tăng trưởng kinh tế thế giới, nâng cao năng lực phát triển và đời sống của người dân các quốc gia liên quan. Trong phát biểu được Hãng tin TASS đăng tải ngày 15-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, BRI thể hiện mong muốn hợp tác trên toàn cầu, đồng thời đánh giá sáng kiến này là “kịp thời và đang phát triển tốt”.

Đối với Việt Nam, những thành tựu của BRI có tác động tích cực, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc duy trì xu thế phát triển. Tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường, Việt Nam tuy đối mặt không ít thách thức, nhưng thực tế đã có thêm cơ hội kết nối, hội nhập khu vực và quốc tế một cách sâu rộng, toàn diện hơn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng từng nêu rõ, Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến thúc đẩy kết nối và hợp tác khu vực, trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, hướng đến mục tiêu đóng góp cho phát triển, thịnh vượng chung của tất cả các quốc gia.

Trên tinh thần ấy, Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ về cùng nhau thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” của Việt Nam với BRI. Nhiều năm nay, các doanh nghiệp của Việt Nam, Trung Quốc đã tích cực hợp tác vận chuyển hàng hóa trên tuyến hành lang kết nối từ thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc, đi qua Việt Nam và một số nước ASEAN, và từ Việt Nam đi đến Trung Á, châu Âu.

Trong cuộc gặp gần nhất giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, hai bên đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy kết nối chiến lược, hợp tác xây dựng BRI chất lượng cao, tăng cường kết nối đường bộ, xây dựng hệ thống hậu cần đa phương thức, hiệu quả cao và bền bỉ, đem lại cơ hội mới cho doanh nghiệp, người dân hai nước, cũng như đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng trong khu vực, cũng như trên toàn thế giới.

Dù vậy, không thể phủ nhận thực tế BRI vẫn có những lo ngại nhất định khi các “con đường tơ lụa” đi qua một số quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ trên biển, đất liền và có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc hoặc đồng minh của Bắc Kinh. Sự gia tăng về các hoạt động khủng bố, xung đột sắc tộc, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… cũng là những trở ngại cho Trung Quốc và các quốc gia mong muốn thúc đẩy BRI. Mặt khác, bước vào thập kỷ thứ hai, BRI sẽ có nhiều khác biệt so với giai đoạn đầu tiên, với các cam kết thay vì tập trung vào củng cố kết nối cơ sở hạ tầng truyền thống, sang các dự án công nghệ tiên tiến tăng cường kết nối qua cáp quang và vệ tinh.

Để giải quyết các nút thắt và tiếp tục thúc đẩy lợi ích do BRI mang lại, Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế BRI lần thứ 3 sẽ có đại diện của hơn 130 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế tham dự. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, đây sẽ là cơ hội để vạch ra lộ trình cho tương lai, hướng tới phát triển xanh, mở ra kỷ nguyên mới với những lợi ích chung, tình hữu nghị và mối quan hệ giữa các dân tộc, sự học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn minh.

Trong bối cảnh đó, có thể thấy, chuyến công tác Trung Quốc tham dự diễn đàn lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là chuyến công tác Trung Quốc đầu tiên của đồng chí Võ Văn Thưởng trên cương vị Chủ tịch nước và là lần thứ 3 lãnh đạo cấp cao Việt Nam dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế BRI thể hiện sự coi trọng cao độ, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta trong việc phát triển quan hệ với Trung Quốc; đồng thời thể hiện sự hoan nghênh, coi trọng đối với các sáng kiến kết nối, trong đó có BRI vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phồn vinh tại khu vực và trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3: Thúc đẩy kết nối, hợp tác khu vực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.