Tối 1-1, Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh Hậu Giang (01/01/2004 - 01/01/2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất đã diễn ra trọng thể tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự và phát biểu.
Dự Lễ kỷ niệm có nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Đến dự Lễ có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Hậu Giang qua các thời kỳ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, cùng đông đảo người dân Hậu Giang.
Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trân trọng trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Hậu Giang - vùng đất trung tâm của tiểu vùng Tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau; căn cứ địa cách mạng trong hai cuộc kháng chiến; nơi ghi dấu ấn nhiều chiến thắng vang dội như Tầm Vu, Chương Thiện; nơi đặt cơ sở đầu tiên của Trường Đảng miền Nam đào tạo cán bộ cách mạng. Hậu Giang có dòng kênh xáng Xà No trở thành biểu tượng “Con đường lúa gạo miền Hậu Giang”; có chợ nổi Ngã Bảy nổi tiếng, lưu truyền mối tình đẹp của anh bán chiếu và lưu giữ nhiều giá trị truyền thống độc đáo của vùng Nam Bộ. Hậu Giang còn có Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, mệnh danh là “lá phổi xanh” của vùng đất chín rồng. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ quê hương, nhân dân Hậu Giang đã vun đắp nên truyền thống đoàn kết, kiên trung, bất khuất, gan dạ, anh hùng.
Nhắc lại thời điểm năm 2004 khi mới được thành lập, là một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm thấp, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Chủ tịch nước nêu rõ: Đảng bộ và nhân dân Hậu Giang đã đồng lòng, chung sức, phát huy truyền thống, kế thừa những thành tựu quan trọng đạt được qua các nhiệm kỳ, với tinh thần đổi mới, đột phá, quyết tâm, tầm nhìn chiến lược, quyết sách đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, khơi dậy khát vọng, hành động quyết liệt, Hậu Giang đã phát triển bứt phá, đạt được những kết quả khá toàn diện, ấn tượng trên các lĩnh vực.
Theo Chủ tịch nước, Hậu Giang bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, thời cơ mới, nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế tuy tăng trưởng cao nhưng quy mô nền kinh tế còn nhỏ; thu nhập bình quân đầu người, quy mô dân số, tỉ lệ đô thị hóa còn thấp; tỉ lệ hộ nghèo còn cao so với trong vùng và cả nước; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; hạ tầng giao thông và công nghiệp, liên kết vùng còn hạn chế. Nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Hậu Giang cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy sông Mê Kông, hạn hán, xâm nhập mặn, khan hiếm nước ngọt, suy giảm hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng…
Chủ tịch nước nhận định, Hậu Giang đang trong thời kỳ vàng hội tụ điều kiện thế mạnh, tiềm năng; nằm ở khu vực trung tâm, giáp ranh với thành phố Cần Thơ, có vị trí chiến lược quan trọng của vùng Tây Nam Bộ; vì thế, tỉnh cần tận dụng, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh miền sông nước, lợi thế của địa phương đi sau, phấn đấu phát triển nhanh và bền vững, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển, lớn mạnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đất nước.
Hậu Giang cần chú trọng chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh; quan tâm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân.
Chủ tịch nước lưu ý, là vựa lúa của miền Tây, Hậu Giang cần tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp với năng suất cao, chất lượng tốt, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, có khả năng cạnh tranh. Tỉnh tích cực thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới; tạo đột phá trong bảo quản và chế biến nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường, hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho cư dân nông thôn.
Cho rằng, phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Tỉnh cần tiếp tục đầu tư, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch sinh thái, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Quan tâm nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, xây dựng, phát triển văn hóa, con người, tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm lo chu đáo cho các gia đình chính sách, người có công. Tỉnh tăng cường đầu tư hạ tầng thiết yếu, tạo sinh kế, các dịch vụ xã hội cơ bản cho đồng bào vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số; chú trọng giảm nghèo bền vững, giải quyết tốt an sinh xã hội; nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn.
Chủ tịch nước nêu rõ: Đảng bộ và nhân dân Hậu Giang cần đặc biệt coi trọng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, có giải pháp hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu; coi biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức mà còn là bài học để ứng xử khiêm tốn và khoa học với thiên nhiên.
Chủ tịch nước chỉ đạo, các cấp ủy, tổ chức Đảng trong tỉnh phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bảo đảm các tổ chức Đảng, đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh; bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, sâu sát cơ sở, hiểu dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và hội viên các tổ chức chính trị - xã hội; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tập thể lãnh đạo và người đứng đầu phải năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương Hậu Giang Anh hùng, những thành tựu to lớn đạt được sau 20 năm thành lập tỉnh, Chủ tịch nước tin tưởng rằng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu đạt nhiều kết quả to lớn hơn nữa, xây dựng Hậu Giang trở thành điểm sáng, tỉnh khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.