Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào

Theo TTXVN| 09/08/2021 19:13

Theo Đặc phái viên TTXVN, ngay sau Lễ đón chính thức và cuộc gặp xã giao với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã chủ trì cuộc hội đàm giữa hai Đoàn đại biểu cấp cao hai nước. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh, cần tiếp tục đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu, đồng thời nhất trí lấy năm 2022 là “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022” để kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Việt Nam và Lào.

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc gặp hẹp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith. 

Trong bầu không khí thắm tình hữu nghị, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; trao đổi về các chủ trương, biện pháp nhằm tiếp tục đưa quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào phát triển đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất; đồng thời, trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith nhiệt liệt chào mừng và đánh giá cao ý nghĩa hết sức quan trọng của chuyến thăm, diễn ra ngay sau thành công tốt đẹp của Đại hội mỗi Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội của mỗi nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào nhấn mạnh, việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chọn Lào là nước đầu tiên đi thăm trên cương vị mới đã thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Đảng, Nhà nước Việt Nam và cá nhân đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đối với việc gìn giữ, bảo vệ và không ngừng vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Chuyến thăm góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ giữa hai Đảng, hai nước phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trở lại thăm đất nước Lào tươi đẹp trên cương vị mới; chân thành cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào đã dành cho Đoàn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo, ấm áp và thắm tình hữu nghị; chúc mừng những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào đã đạt được trong những năm qua. Chia sẻ những khó khăn của Lào trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào do Tổng Bí thư Thongloun Sisoulith đứng đầu, nhân dân Lào anh em sẽ vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia 5 năm lần thứ IX giai đoạn 2021-2025, không ngừng nâng cao vị thế và vai trò trên trường quốc tế.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith tại buổi hội đàm.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định, hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã luôn dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu, chí tình chí nghĩa trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước ngày nay; đồng thời nhấn mạnh, sẽ tiếp tục dành ưu tiên cao nhất cho việc không ngừng củng cố và vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào; coi đây là quy luật phát triển, có ý nghĩa sống còn và là một trong những nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mỗi nước.

Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ vui mừng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song hai bên đã nỗ lực duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao; phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương; hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, giáo dục - đào tạo, thương mại, đầu tư… tiếp tục có bước phát triển mới. Trong đó, kim ngạch thương mại hai chiều nửa đầu năm nay đạt 670 triệu USD, tăng gần 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam có 209 dự án tại Lào còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký khoảng 5,2 tỷ USD, đứng thứ ba trong số các nước đầu tư trực tiếp vào Lào. Năm học 2020-2021, phía Việt Nam đã đón 1.200 sinh viên Lào sang học tập, đưa tổng số lưu học sinh đang học tập ở Việt Nam là gần 16.100 người.

Hai nhà lãnh đạo dành nhiều thời gian trao đổi về các biện pháp để hỗ trợ nhau giải quyết các khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra đối với mỗi nước và đối với quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào; đồng thời nhất trí cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, đến giáo dục, kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng, văn hóa, khoa học kỹ thuật… để cùng nhau vượt qua các thách thức, tận dụng tốt các cơ hội do Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí, cần tiếp tục thực hiện tốt các thỏa thuận Cấp cao và các kết quả đạt được tại Kỳ họp lần thứ 43 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào; triển khai hiệu quả Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2025, Thỏa thuận chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2030, cũng như các kết quả đạt được trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam vừa qua của đồng chí Thongloun Sisoulith và chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Hai bên nhấn mạnh, cần tiếp tục đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu; hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề chiến lược liên quan đến an ninh và phát triển mỗi nước; duy trì các chuyến thăm cấp cao giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước dưới nhiều hình thức; chủ động trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, mở rộng hội nhập quốc tế; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước. Hai bên nhất trí lấy năm 2022 là “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022” để kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Việt Nam và Lào.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định, tiếp tục tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh để đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; đẩy mạnh hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như trong đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt các cấp; triển khai tốt Đề án về hợp tác giáo dục Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2030 và Đề án đưa nội dung các sản phẩm của công trình Lịch sử quan hệ đặc biệt hai nước Việt Nam - Lào vào giảng dạy tại các trường học hai nước. Đẩy mạnh hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư và năng lượng; nỗ lực có các biện pháp mạnh, mang tính đột phá để giải phóng nguồn lực cho hợp tác kinh tế song phương; thường xuyên quan tâm và giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp hai nước; tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do hai nước cùng tham gia như Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), hoặc các hiệp định lớn Việt Nam bước đầu tham gia hiệu quả như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU để giúp mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút dòng đầu tư từ bên ngoài.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí chia sẻ thông tin kịp thời và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; tiếp tục phát huy vai trò trung tâm của ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt; tăng cường phối hợp với Campuchia thực hiện Thỏa thuận giữa 3 Thủ tướng về khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối 3 nền kinh tế Campuchia - Lào - Việt Nam đến năm 2030; đồng thời phối hợp chặt chẽ trong các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác với nhau và với các nước, các tổ chức quốc tế có liên quan để quản lý, sử dụng bền vững và hiệu quả nguồn nước sông Mekong.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); cùng các bên liên quan thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith. 

* Sau hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith đã chứng kiến lễ ký kết và trao 14 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, phòng chống ma túy, tìm kiếm cứu nạn, mua bán điện, thăm dò khai thác và chế biến khoáng sản…

Các văn kiện hợp tác ký kết và trao đổi gồm: Thỏa thuận hợp tác giữa hai Văn phòng Chủ tịch nước giai đoạn 2021-2025 do Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải và Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lào Khemmani Pholsena ký; Chương trình hợp tác năm 2022 giữa hai Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào Phayvy Sibualipha ký; Văn bản Kế hoạch hợp tác bổ sung năm 2020 giữa hai Bộ Công an do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Công an Lào Vilay Lakhamphong ký; Bản ghi nhớ về hợp tác phòng, chống ma túy giữa hai Bộ Công an do Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc và Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Công an Lào Vanthong Kongmany ký; Biên bản hợp tác giữa hai Bộ Quốc phòng về xây dựng công trình Trường Văn hóa dân tộc quân đội tại Lào do Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào Chansamone Chanyalath; Ý định thư giữa hai Bộ Quốc phòng về hợp tác tìm kiếm, cứu nạn do Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào Chansamone Chanyalath ký; Thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Bắc Giang và tỉnh Xaysomboun giai đoạn 2021-2025, do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương và Tỉnh trưởng Khamlieng Uthakaysone ký.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào chứng kiến đại diện các doanh nghiệp trao các thỏa thuận hợp tác bao gồm: Hợp đồng hợp tác khai thác, chế biến quặng vàng, đồng, niken, bạc và sắt tại huyện Borikham, tỉnh Bolikhamsai giữa Công ty TNHH CAVICO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào; Biên bản ghi nhớ về tìm kiếm, thăm dò thiếc tại bản Nậm-sảng, tỉnh Bolikhamsai giữa Công ty cổ phần Khoáng sản Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào; Biên bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu mua bán điện từ cụm Nhà máy Thủy điện Nậm U và Nhà máy Thủy điện Nậm Ngừm 4 giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty Điện lực quốc gia Lào; Biên bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu mua bán điện từ cụm Dự án Thủy điện Nậm Chiên giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty EDL Generation; Biên bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu mua bán điện từ Nhà máy Thủy điện Sê Công 5, Nhà máy Thủy điện Nậm Ngone 1 và Nhà máy Thủy điện Nậm Ngone 2 giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Phongsupthavy;  Bản ghi nhớ về hợp tác thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại Lào giữa Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam với Tập đoàn Phongsupthavy; Bản ghi nhớ về nghiên cứu khả thi Dự án Thủy điện Nậm Mạ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào và Liên doanh nhà đầu tư gồm Công ty Trung Sơn, Công ty Mekong, Tập đoàn Phongsupthavy.

Nhân dịp này, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào một công trình trường dạy nghề tại tỉnh Khammuane trị giá 5 triệu USD.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.