Chiều 5/2, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi gặp mặt hơn 100 doanh nhân tiêu biểu, đại diện cho hơn 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Nhấn mạnh vai trò vị trí của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong sự phát triển đất nước kể cả trước mắt và lâu dài, Chủ tịch nước mong rằng cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục chủ động nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.Phản ánh của phóng viên Hoàng Dũng.
Theo báo cáo, năm 2014 kết thúc, một năm tiếp tục khó khăn với doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, một khu vực yếu thế trong cạnh tranh và hội nhập. Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011-2015 đặt ra, số doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2011-2015 dự kiến đạt 350.000 doanh nghiệp. Đến ngày 31/12/2014, cả nước có 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc. Đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp khoảng 40% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước, tạo thêm khoảng 3,5-4 triệu việc làm mới.
Có thể nói, các mục tiêu kế hoạch trên đến nay cơ bản Việt Nam đã đạt được khi doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% trong tổng số 600.000 doanh nghiệp trên cả nước. Trung bình mỗi năm, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tạo thêm việc làm cho khoảng nửa triệu lao động mới; sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp trên 40% GDP cho nền kinh tế. Ngoài ra các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn tích cực vào các phong trào do Đảng, Nhà nước và Ủy ban TWMTTQ Việt Nam phát động như “Người Việt Nam dung hàng Việt Nam”; “Ngày vì người nghèo”; “Xây dựng nông thôn mới”.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu mong muốn Đảng, Nhà nước sớm chỉ đạo luật hóa những nội dung của Hiến pháp, cụ thể các văn bản luật và dưới luật tạo khuôn khổ pháp lý rõ ràng, công khai, minh bạch, để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các thành phần kinh tế, nhất là vốn, thuế, mặt bằng sản xuất, đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực, thủ tục hành chính…
Nhà nước cần đặt vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chiến lược hành động ngang tầm với kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, hệ thống ngân hàng, tạo thêm yếu tố thuận lợi trong sản xuất kinh doanh, góp phần nâng khả năng hội nhập và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Ghi nhận và biểu dương những thành tích và đóng góp thiết thực của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ thời gian qua, Chủ tịch nước nêu rõ, đất nước đang bước vào một năm mới với nhiều thuận lợi và khó khăn thách thức ở phía trước, đặc biệt là từ quá trình hội nhập toàn diện và sức ép cạnh tranh trên chính thị trường nội địa. Đối với các doanh nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hết sức tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại; phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ và doanh nhân, nhằm đáp ứng kịp sự phát triển và xu hướng của quá trình hội nhập.
Bên cạnh chủ động trong quá trình hội nhập, Chủ tịch nước yêu cầu doanh nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chăm lo, nâng cao thu nhập, đảm bảo môi trường làm việc thuận lợi cho người lao động; đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội như “Ngày vì người nghèo”; “Xây dựng nông thôn mới”…. góp phần thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra cho năm kế hoạch tiếp theo.
Đối với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch nước nêu rõ, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với tư cách là tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cả nước cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển mạng lưới tổ chức Hội đến cơ sở và các địa phương trên cả nước để kịp thời tư vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp giải quyết những vấn đề vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tổng hợp, phản ánh các kiến nghị đến các cấp, các ngành có liên quan xem xét giải quyết; đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hiệp hội cũng cần phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến là các doanh nhân, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, các hoạt động xã hội từ thiện để tuyên dương khen thưởng và đề nghị khen thưởng. Đồng thời, Hiệp hội tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong các lĩnh vực: đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đầu tư, trao đổi kinh nghiệm và hội nhập kinh tế vì sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.