Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh: Hướng về đoàn viên, người lao động

Hà Phong| 30/04/2023 06:31

(HNM) - Tháng Công nhân là dịp cao điểm thành phố Hà Nội tổ chức các hoạt động chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Năm nay, trong Tháng Công nhân (từ ngày 1 đến 31-5), thành phố tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hướng về doanh nghiệp, cơ sở, giúp đoàn viên, người lao động vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh về những điểm mới và hoạt động trọng tâm của tổ chức Công đoàn trong năm nay.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh.

Thiết thực chăm lo, bảo vệ người lao động

- Tháng Công nhân năm 2023 diễn ra đúng vào dịp Đại hội Công đoàn các cấp. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức những hoạt động gì để thực hiện tốt việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, thưa ông?

- Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã xây dựng và triển khai rất sớm kế hoạch tổ chức Tháng Công nhân năm 2023, trong đó gồm những hoạt động trọng tâm như: Diễn đàn “Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân”; hoạt động “Cảm ơn người lao động”; chương trình “Đối thoại tháng 5”.

Ở cấp thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố sẽ tổ chức Lễ phát động “Tháng Công nhân” và “Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động”; khám, tư vấn sức khỏe cho công nhân, lao động; tuyên dương 100 “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2023... Ngoài ra, Công đoàn còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà công nhân bị tai nạn lao động nặng, mắc bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ 2.000 đoàn viên, người lao động khó khăn.

Chúng tôi cũng khuyến khích Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, các công đoàn ngành, cơ sở tổ chức hoạt động “Kết nối trái tim”, tạo điều kiện để công nhân tìm hiểu, kết đôi, xây dựng hạnh phúc gia đình; huy động các nguồn lực để chăm lo cho người lao động...

- Ông có thể cho biết, so với các năm trước, Tháng Công nhân năm nay có gì mới?

Điểm mới đó là, Công đoàn cơ sở đăng ký và triển khai có hiệu quả ít nhất một việc làm cụ thể chăm lo phúc lợi cho đoàn viên. Rất mừng là đến nay, chúng tôi đã nhận được nội dung đăng ký các việc làm tiêu biểu, điển hình, có tính khả thi và nhân rộng của 4.975 Công đoàn cơ sở doanh nghiệp. Điều đó chứng tỏ trách nhiệm của tổ chức Công đoàn đối với đoàn viên và người lao động tiếp tục được nâng cao; vị thế của tổ chức Công đoàn trong giai đoạn mới tiếp tục được khẳng định.

Ngoài ra, còn có các hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội với công nhân, lao động để lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri là công nhân lao động về việc làm, thu nhập và đời sống. Qua đó, tổng hợp và phản ánh ý kiến tới Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, góp phần xây dựng chính sách, pháp luật bảo đảm khả thi, sát thực tế.

- Trong Tháng Công nhân năm nay, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội yêu cầu tổ chức các hoạt động gắn với “Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động”. Làm thế nào để các hoạt động bảo đảm thiết thực, hiệu quả, thưa ông?

“Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động” năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 1-5 đến hết 31-5-2023 với chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”. Chúng tôi có văn bản hướng dẫn các cấp Công đoàn Thủ đô tổ chức những hoạt động hưởng ứng thiết thực, tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội quy, quy trình an toàn vệ sinh lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, phân xưởng, tổ, đội; tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên, tặng quà các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Cùng đó, các cấp Công đoàn phát động phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, người lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; tăng cường truyền thông về an toàn, vệ sinh lao động. Đây là tiền đề nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, người sử dụng lao động, người lao động về ý thức tuân thủ pháp luật an toàn, vệ sinh lao động...

Tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa đoàn viên và tổ chức Công đoàn

- Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn tới mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của công nhân, người lao động. Công đoàn sẽ có những biện pháp gì để hỗ trợ công nhân, người lao động, thưa ông?

Qua nắm bắt, tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi hoàn toàn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tình hình việc làm, đời sống, chế độ bảo hiểm xã hội, tiền lương, tiền thưởng của đoàn viên, người lao động hiện tại vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Chăm lo đời sống người lao động cần có sự đồng lòng, chung tay của cả hệ thống chính trị. Thời gian tới, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương bám sát tình hình cơ sở, nhất là các đơn vị bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 để kiến nghị với người sử dụng lao động trong việc đề ra những giải pháp phù hợp khắc phục khó khăn, bảo đảm chế độ chính sách cho công nhân, người lao động theo quy định.

- Ông có thể cho biết, Liên đoàn Lao động thành phố hướng dẫn cấp cơ sở chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh như thế nào?

Chúng tôi xác định công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhất là thời điểm này, các cấp Công đoàn Thủ đô đang đẩy nhanh tiến độ tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp. Bên cạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, chấp hành nghiêm những quy định về phòng, chống dịch, Liên đoàn Lao động thành phố yêu cầu khởi động lại các kế hoạch, phương án chống dịch, đặc biệt là tại những doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp. Duy trì hoạt động các nhóm Zalo, mô hình “Tổ An toàn Covid-19” tại các doanh nghiệp để chủ động, phát huy hiệu quả trong công tác thông tin, tuyên truyền từ cơ sở…

- Liên đoàn Lao động thành phố sẽ có giải pháp gì để các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động không chỉ là điểm nhấn trong Tháng Công nhân, thưa ông?

Để các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động không chỉ là điểm nhấn trong Tháng Công nhân, Công đoàn Thủ đô luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đáp ứng yêu cầu đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động trong tình hình mới.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, nhất là các văn pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động như: Việc làm, tiền lương, bảo hiểm; nhà ở và các thiết chế phục vụ đoàn viên, người lao động. Chủ động phối hợp với người đứng đầu chính quyền các cấp định kỳ tổ chức gặp gỡ, đối thoại với đoàn viên, người lao động, kịp thời chỉ đạo giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động. Đồng thời, nâng cao số lượng, chất lượng thương lượng, ký kết và tăng cường giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp; chú trọng thương lượng về tiền lương, thưởng, chất lượng bữa ăn giữa ca, cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho công nhân…

Đích đến là tạo gắn kết chặt chẽ hơn giữa đoàn viên và tổ chức Công đoàn, để Công đoàn Thủ đô thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh: Hướng về đoàn viên, người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.