Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chữ ''thương'' của Tống Phước Bảo

Hoài Hương| 10/07/2021 06:03

(HNMCT) - Trình diện làng văn Việt đương đại không lâu nhưng nhà văn 8x Tống Phước Bảo đã là tác giả quen thuộc của nhiều độc giả trẻ. Văn của Bảo đặc sệt chất Nam Bộ với một sắc thái biểu cảm mà càng đọc càng thấy trong đó thấm đẫm tình người.

Liên tục có tác phẩm đăng trên các báo và tạp chí, Bảo viết đa dạng, cả truyện ngắn, thơ, tản văn. Chỉ trong vòng 4 năm từ 2018-2021, anh đã “gặt hái” nhiều giải thưởng như giải Nhất cuộc thi truyện ngắn “Một nửa làm đầy thế giới” của NXB Văn hóa Văn nghệ, giải Ba cuộc thi tạp bút “Ký ức Tết”, giải Nhất cuộc thi tạp bút “Thành phố tôi yêu” của báo Thanh Niên, giải Nhất cuộc thi tạp bút “Quê nhà dấu yêu” của báo Áo Trắng, Tặng thưởng truyện ngắn hay nhất năm 2020 của tạp chí Văn nghệ Quân đội...

“Sài Gòn còn thương thì về” là cuốn sách thứ 5 của Bảo, gồm 19 tản văn, 8 truyện ngắn viết về mảnh đất đã “ấp yêu” tác giả hơn 30 năm, và được viết ra từ mùa dịch Covid-19 năm ngoái đến nay. Bảo chia sẻ: “Người ta thường chẳng dễ dàng dùng câu chữ để diễn tả lòng mình với mảnh đất đã ấp yêu mình hơn 30 năm... Vì vậy phải thật chậm, thật kỹ và phải đợi đến lúc lòng mình hứng khởi nhất tôi mới bắt đầu những dòng dành cho Sài Gòn. Bởi tôi thương Sài Gòn như thương một người tình...”.

19 tản văn là 19 chữ “thương”, như tác giả nắm tay đưa ta đi một chuyến “city tour” đặc biệt, không phải để ngắm những cao ốc hào nhoáng lộng lẫy, mà len lỏi vào những con hẻm, ghé những dạ cầu, chen vào những khu phố đông đúc để ngắm nhìn, cảm nhận và sẻ chia những vui buồn, thấu cảm những thương yêu tràn đầy.

Tưởng chỉ là câu chuyện giải khuây bâng quơ lúc trú mưa, nhưng dẫn dắt là thảo thơm, là hy vọng, là hạnh phúc nhỏ nhoi được neo lại với ước mơ làm họa sĩ, làm cô giáo của cô gái nhỏ trong “Sài Gòn và những mơ ước sau chảo dẻ rang”. Nghe thương làm sao, những phận người tứ xứ trôi dạt, nương náu lại Sài Gòn, như bến đậu của ấm áp, của thân thiện, của thiện lành (“Người biết thương người”, “Đừng vội ghét khi chưa kịp thương”, “Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình”...). Thương làm sao thành phố, tưởng chừng chỉ có phồn hoa "đèn xanh đèn đỏ”, nhưng khuất sau đó là tình người thấm đẫm, là mối quan tâm đến những thân phận trẻ sớm bị đẩy vào những cạm bẫy xã hội (“Tháng Sáu, chuyện “đứa trẻ hư” và thanh xuân vàng phai trước ngõ”), là những hào sảng, nghĩa hiệp để người xứ khác đậu lại thành phố thốt lên những lời cảm phục: “Xứ gì lắm Lục Vân Tiên”...

Và còn khuất trong thẳm sâu là những ưu tư trăn trở, là những niềm thương nỗi nhớ chất chứa lỡ mai này thành phố phôi pha hình ảnh thân quen, âm thanh thân thuộc: “Tiếng chim hót sau rào sử quân tử”, “Con thả trôi mùa gió của mình nơi đâu?”, “Lạc một nẻo quê”, “Người còn ở đó đợi tôi ngỏ lời yêu?”, “Có những ngày quay cuồng để tìm quên”... Là sợi dây tình níu kéo, thắt gút lưu giữ bao giá trị tưởng như vô hình, nhưng đong đầy thương nhớ phố: “Sài Gòn lê la, chè hoa khắp nẻo”, “Báo giấy - Tiếc thay một chút nghĩa cũ”, “Cà phê kho - Chuyện cũ kỹ của những người trẻ”, “Cà phê lóc cóc, tán dóc mùa dịch”, “Bắp chuối mà gói sầu đâu”... để ai từng gắn với thành phố hay chỉ ngang qua là “tận cùng của nỗi nhớ hóa ra nỗi thèm”.

8 truyện ngắn: “Cơm gia đình”, “Tập tầm vông”, “Đại gia”, “Nỗi thương lạc loài”, “Hồn Xuân”, “Thằng Tào lao”, “Về nhà là Tết”, “Vào một mùa hoa đẹp nhất” được Tống Phước Bảo thể hiện bằng ngôn ngữ rặt Nam Bộ, nên chữ “thương” càng sâu đậm hơn. Thương bữa “Cơm gia đình”, dù có là “hàng hóa đặc biệt” nơi thành phố, vẫn neo giữ cảm xúc ấm áp một không khí quây quần. Thương cái nhớ nhớ quên quên đến khắc khoải xa xót khi xa xứ của má Năm trong “Tập tầm vông”. Thương tình làng nghĩa xóm với bà “Đại gia”. Thương thắt ruột tình yêu dị biệt trong “Nỗi thương lạc loài”. Thương sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ công an phá án ma túy, phải hóa thân thành “Thằng Tào lao”. Thương những sẻ chia, lan tỏa yêu thương, lạc quan sống “Vào một mùa hoa đẹp nhất”, “Về nhà là Tết”. Thương đến cả những nghề truyền thống đang dần mai một trong “Hồn xuân”.

Và như Tống Phước Bảo gửi gắm: “Bởi vì khi thương Sài Gòn, người ta mới tha thiết trở về, gắn trọn cuộc đời với nó mà bỏ qua những khói bụi, kẹt xe, lừa lọc... Bởi chỉ có thương Sài Gòn người ta mới hiểu, miền đất này còn đó nhiều tấm chân tình, lắm điều trượng nghĩa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chữ ''thương'' của Tống Phước Bảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.