Theo đánh giá của Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (QLHC về TTATXH) - Bộ Công an (CA), nhờ làm tốt công tác kiểm tra phòng ngừa từ trước Tết nên số vụ cháy thời gian gần đây, tính trên địa bàn cả nước, có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, tại một số địa phương, tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp và thời gian tới, tâm lý chủ quan có thể là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ cháy cao.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ CA và Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH về mở đợt cao điểm tấn công các loại tội phạm và triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nhằm bảo đảm ANTT Tết Nguyên đán Tân Mão, trong dịp trước, trong và sau Tết, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH các địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn biện pháp PCCC. Cơ quan CA đã có nhiều hình thức tuyên truyền đối với các hoạt động riêng biệt: sản xuất, kinh doanh; trong sử dụng lửa, điện, xăng dầu, khí đốt; thắp hương, đốt vàng mã trong những ngày Tết.
Cơ quan CA cũng đã cử cán bộ hướng dẫn các cơ sở tăng cường tự kiểm tra an toàn PCCC và bố trí đủ lực lượng thường trực ban đêm và trong những ngày nghỉ lễ. Trong những ngày Tết, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cả nước đã duy trì nghiêm túc chế độ thường trực, ứng trực sẵn sàng chiến đấu 24/24h với 100% quân số và phương tiện. Do vậy, trong 6 ngày Tết Nguyên đán Tân Mão (từ ngày 2 đến ngày 7-2), cả nước chỉ xảy ra 43 vụ cháy, làm 1 người thiệt mạng, bị thương 2 người, thiệt hại về tài sản ước tính 3,2 tỷ đồng. So với dịp Tết Nguyên đán Canh Dần 2010, số vụ cháy giảm đến 21% và thiệt hại do cháy gây ra giảm tới 86,4% (3,2/23,6 tỷ đồng)...
Tuy nhiên, nhìn tổng thể cả tháng 1 và những ngày đầu tháng 2-2011, tình hình cháy vẫn diễn biến phức tạp. Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Cảnh sát PCCC - CATP Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra hơn 50 vụ cháy, nổ, làm chết 3 người, thiệt hại về tài sản gần 1 tỷ đồng. So với tháng 12-2010, số vụ hỏa hoạn đã tăng mạnh. Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng xảy ra hàng chục vụ cháy, trong đó có 13 vụ cháy do bất cẩn trong việc đốt rác, nhang, sử dụng điện... Nguyên nhân một phần là do CA các quận, huyện, thị xã chưa có cán bộ chuyên trách công tác PCCC nên việc kiểm tra PCCC chưa sâu sát. Công tác khám nghiệm hiện trường cho thấy, hầu hết các vụ cháy là do chủ quan, bất cẩn. Điển hình như rạng sáng 5-2, tại một nhà dân trên đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy), do chủ nhà thắp hương ban đêm, tàn hương rơi vào vật dễ cháy dẫn đến hỏa hoạn. Gần đây nhất là vụ hỏa hoạn trưa 13-2 tại nhà dân ở Phú Mỹ (Từ Liêm) làm 1 người chết, 3 người bị thương... Cả nước đang vào mùa lễ hội, nguy cơ cháy nổ rất cao. Theo Đại tá Nguyễn Văn Tươi, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Cục đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra hành chính, đồng thời tham mưu cho lãnh đạo CA các địa phương về công tác PCCC. Tại các địa điểm tổ chức lễ hội, cơ quan CA sẽ rà soát các khu vực đốt hương, nến, vàng mã, kiểm tra nguồn điện đề phòng quá tải, kiểm tra công tác PCCC tại các cửa hàng, bãi trông giữ xe phục vụ lễ hội. Cơ quan CA cũng đặc biệt quan tâm tới công tác cứu hộ, thoát nạn tại các khu vực đông người. Đại tá Nguyễn Văn Tươi cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng ngừa, khi đốt hương nến thờ cúng cần có người trông coi, lưu ý khoảng cách an toàn giữa nơi thờ cúng với các vật dụng, vật liệu dễ cháy... Rõ ràng, chỉ có loại bỏ được tâm lý chủ quan, thì mùa lễ hội Tân Mão mới thật sự an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.