(HNM) - Cái tên
Đã có 32 năm làm việc tại công ty, công việc hằng ngày của anh Chương là chỉ đạo tổ thực hiện tốt lịch công tác, sửa thiết bị đáp ứng kịp thời cho sản xuất; hướng dẫn kèm cặp và truyền đạt kinh nghiệm cho anh em thợ bậc dưới rèn luyện, nâng cao tay nghề, có thêm kinh nghiệm xử lý trong công việc chuyên môn. Song anh vẫn dành thời gian nghiên cứu để có tới 13 sáng kiến đồ gá được công ty đánh giá cao. Anh Chương chia sẻ: "Từ môi trường làm việc luôn được va chạm, tiếp cận với những máy móc mới, phát hiện những sự cố kỹ thuật mới, buộc tôi phải luôn vận động, tìm tòi, nghiên cứu để nắm bắt kịp với những cái mới đó".
Cái duyên bắt đầu đưa anh đến với một loạt những sáng kiến về đồ gá là lúc cả công ty gặp khó khăn trong việc hoàn thành đúng tiến độ đơn hàng sản xuất quần lót xuất sang Tiệp Khắc (cũ). Thời điểm đó, do thời gian giao hàng còn ít, mỗi công nhân phải tăng ca, làm 4 kíp/ngày, nhưng sản phẩm vẫn không đạt yêu cầu. 10 sản phẩm quần được làm ra thì phải tháo ra làm lại từ 5-6 cái do dây chuyền máy móc của công ty chưa đáp ứng được yêu cầu của đơn hàng là dải chun quần phải đều đặn và thẩm mỹ. Ban giám đốc và toàn bộ công nhân rất lo lắng. Là người hiểu về các thiết bị máy móc, anh biết rằng, để đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng, công ty cần phải nhập thêm các thiết bị máy móc phụ khác, chắc chắn sẽ rất tốn tiền. Trên cơ sở những máy móc đã có, anh quyết tâm tìm ra cách khắc phục nhược điểm đó. Hễ cứ có thời gian rỗi là anh ngồi suy nghĩ, nghiên cứu. Cuối cùng, từ nguyên tắc hoạt động của chiếc xích xe đạp đã giúp anh có sáng kiến đồ gá gắn vào máy may, giúp người công nhân có thể may dải chun quần đều đặn mà vẫn bảo đảm thẩm mỹ cao, tốc độ nhanh hơn.
Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần May Đông Mỹ, Chu Thị Tuyết Mai cho biết: "Đồ gá là một trong những thiết bị phụ trợ hữu hiệu trong quá trình hình thành nên các sản phẩm may mặc, tuy là những chi tiết rất nhỏ nhưng vô cùng quan trọng. Nó như một chiếc thước giúp người thợ may kẻ thẳng đường may của mình mà không tốn công căn chỉnh, vừa như một chiếc kìm, giúp người thợ may giới hạn chính xác được khoảng cách, hoa văn cần sáng tạo trên các sản phẩm may một cách nhanh chóng". Thành công đầu tiên đã mang lại cho Lê Đình Chương thêm tự tin tâm huyết và đam mê sáng tạo ra những sáng kiến khác. Anh bắt đầu tích cực bám sát các đơn hàng, tìm hiểu các yêu cầu của khách hàng về mẫu mã, thẩm mỹ, nghiên cứu, chế tạo ra các đồ gá phù hợp với từng loại sản phẩm may mặc, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Đồng nghiệp trong công ty coi anh Chương như một tấm gương sáng trong lao động về lòng tâm huyết với nghề, tinh thần trách nhiệm và sự tìm tòi, khám phá. Năm 2011, anh vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Anh được tôn vinh là công nhân giỏi Thủ đô năm 2012.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.