(HNM)- Hà Nội hiện có 17 khu công nghiệp và chế xuất (KCN-CX), 2 khu công nghệ cao (KCNC), với tổng diện tích hơn 4.000ha. Trong đó có 8 KCN với tổng diện tích gần 1.200ha đã cơ bản hoàn thành hạ tầng và lấp đầy diện tích đất cho thuê.
Các KCN-CX trên đại bàn đã thu hút 524 dự án đầu tư, trong đó 252 dự án đầu tư nước ngoài có số vốn đăng ký 3,55 tỷ USD, 272 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 11.000 tỷ đồng. Hầu hết doanh nghiệp (DN) trong các KCN đều hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. 10 tháng đầu năm nay, doanh thu của các DN đạt khoảng 2,8 tỷ USD, nộp ngân sách đạt 59 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 10 vạn lao động.
Với việc xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, nhiều khu công nghiệp tại Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận các cơ sở sản xuất, kinh doanh vào hoạt động. Ảnh: Minh Nguyễn
Đại diện Ban Quản lý các KCN-CX Hà Nội cho biết, lực lượng lao động trẻ của nước ta ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong tương lai gần, việc các DN Mỹ đầu tư vào nước ta thông qua những dự án lớn sẽ trở thành lực hút các nhà đầu tư từ các nền kinh tế mạnh khác đến Việt Nam. Hơn nữa, các KCN của Hà Nội đều được quy hoạch bố trí nằm gần những trục quốc lộ lớn là mối giao thông quan trọng, kể cả đường bộ, đường không và đường biển, đã tạo thuận lợi cho các DN lưu thông vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, cũng như tiêu thụ trong nước. Những KCN đã hoàn thành cơ sở hạ tầng đều lấp đầy diện tích cho thuê. Hà Nội đang khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN-CX mới.
Với điều kiện được mở rộng gấp ba lần về diện tích, trong tương lai Hà Nội cần phát triển các KCN hiện đại, thu hút các DN lớn, với hàm lượng tri thức và công nghệ cao, kết hợp với bản sắc văn hóa của Thủ đô thanh lịch. Các KCNC sinh học, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ… sẽ cùng với KCNC Hòa Lạc không chỉ phục vụ Hà Nội, mà còn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Trước mắt, giai đoạn 2010-2015, Hà Nội tiếp tục hoàn thiện, phát triển các KCN đã được hình thành và cơ bản hoàn thành hạ tầng đồng bộ (gồm các công trình phúc lợi, nhà ở công nhân) cho 11 KCN, KCNC đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép và những KCN đang chuẩn bị đầu tư; nâng cấp một số cụm công nghiệp lớn thành KCN để kết hợp di dời các cơ sở sản xuất từ nội thành. Bên cạnh đó, thành phố cần có cơ chế ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn bằng nhiều nguồn vốn khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các KCN phát triển đồng bộ, bền vững.
Dự kiến, đến năm 2015, Hà Nội sẽ có khoảng 20 KCN đi vào hoạt động, với tổng diện tích khoảng 4.500ha, trong đó tỷ lệ lấp đầy KCN đạt hơn 60%, mang lại tổng doanh thu khoảng 250.000 tỷ đồng, chiếm hơn 20% GDP của thành phố, tạo việc làm mới cho nửa triệu người lao động; xứng đáng là lực lượng chủ lực của nền công nghiệp hiện đại của Thủ đô và cả nước.
Các KCN đang hoạt động, gồm Thăng Long (274ha), Nam Thăng Long (40ha), Sài Đồng B (45ha), Nội Bài (115ha), Hà Nội - Đài Tư (40ha), Thạch Thất - Quốc Oai (155ha), Phú Nghĩa (170ha), Quang Minh I (407ha). Các KCN đang triển khai, như KCN Quang Minh II (266ha), Bắc Thường Tín 388ha, Phụng Hiệp (174ha); KCN sạch Sóc Sơn (340ha); Hỗ trợ Nam Hà Nội (440ha); Đông Anh (300ha); Nam Phú Cát (300ha); Kim Hoa (45,5ha) - phần diện tích thuộc Hà Nội; các KCNC như khu công viên phần mềm công nghệ thông tin Him Lam 38ha đang trình duyệt quy hoạch chi tiết; KCNC sinh học Từ Liêm giai đoạn I 200ha, đã trình duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.