Bộ đội Biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.462 phương tiện/317.699 người phòng tránh áp thấp nhiệt đới.
Tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới diễn ra sáng 2-9 tại Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 14/CĐ-TƯPCTT ngày 1-9 của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tăng cường theo dõi chặt chẽ (áp thấp nhiệt đới gần bờ, áp thấp nhiệt đới trên khu vực giữa Biển Đông và tình hình mưa dông, gió mạnh, sóng lớn trên các vùng biển phía Nam), cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời, sát thực tế đặc biệt chú ý việc xác định vùng nguy hiểm trên tuyến biển để có sự chỉ đạo, ứng phó kịp thời.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với kiểm ngư và chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện việc thông báo cho chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.
Lực lượng chức năng tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn neo đậu tại bến nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
"Hiện nay, áp thấp nhiệt đới gần bờ, áp thấp nhiệt đới trên khu vực giữa Biển Đông (hình thành vào sáng 2-9) và tình hình mưa dông, gió mạnh, sóng lớn trên các vùng biển phía Nam có ảnh hưởng đến Việt Nam. Các lực lượng chức năng và các khu vực chịu ảnh hưởng phải hết sức đề phòng, chủ động trong công tác phòng tránh, ứng phó. Ngoài ra, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên đất liền sẽ có mưa to đến rất to, đặc biệt là khu vực Trung Bộ. Do vậy, chính quyền địa phương cần tập trung chỉ đạo việc thu hoạch diện tích lúa, cây trồng đã đến kỳ thu hoạch; chủ động tiêu thoát nước đệm bảo vệ sản xuất", ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh.
Tổng cục Thủy lợi cần tiến hành kiểm tra tình hình ngập úng tại các địa phương, báo cáo thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai để có biện pháp chỉ đạo ứng phó.
Cùng với đó, các đơn vị chức năng cần tập trung xử lý các công trình đã bị sự cố; kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, vận hành các hồ thủy điện nhỏ và chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn.
Đơn vị chức năng huy động lực lượng, nhất là lực lượng xung kích tại cơ sở kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thấp trũng để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Các tỉnh, thành phố bị thiệt hại bởi bão số 4 và hoàn lưu bão tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện, vật tư hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống của nhân dân.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.