(HNMO) - Hiện nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm A/H5N8, A/H5N1, viêm da nổi cụ trên trâu bò... là những bệnh có tốc độ lây lan nhanh đã phát sinh trên đàn vật nuôi... Tránh tình trạng dịch bệnh lây lan, gây thiệt hại về kinh tế, nông dân cần chủ động giám sát để sớm phát hiện các ổ dịch cũng như các loại bệnh mới, chủng mới, từ đó có kế hoạch và giải pháp ứng phó kịp thời.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin: Trong tháng 2-2022, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh tại xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức), phải tiêu hủy 7 con; dịch cúm gia cầm A/H5N1 phát sinh tại các huyện Ba Vì và Phúc Thọ, phải tiêu hủy 8.500 con…
Cũng về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Long cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước phát sinh 4 ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày, số gia cầm bị chết và phải tiêu hủy là 13.600 con; 168 ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh, khiến hơn 19.600 con lợn chết, phải tiêu hủy; bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò xảy ra tại 17 xã thuộc 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bến Tre, buộc tiêu hủy 15 con.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Đào Xuân Trúc, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất hiện các loại dịch bệnh trên vật nuôi ở Việt Nam thời gian qua như: Tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao. Trong khi đó, số lượng gia súc, gia cầm được tiêm phòng còn thấp, nhiều đàn chưa hoặc không được tiêm phòng.
Mặt khác, các loại dịch bệnh mới trên vật nuôi có nguy cơ tiếp tục xâm nhiễm vào Việt Nam do lượng sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu tăng. Rất đáng lo ngại là những dịch bệnh có khả năng lây từ động vật sang người như cúm A/H5N1. Theo các cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp, từ tháng 2-2014 đến nay, Việt Nam không phát hiện thêm ca nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 trên người, nhưng nguy cơ lây nhiễm bệnh này từ gia cầm sang người vẫn luôn tiềm ẩn.
Chủ động giám sát, ngăn chặn
Dự báo thời gian tới nguy cơ bệnh mới, chủng mới xuất hiện vẫn là rất cao như: Cúm A/H5N8, viêm da nổi cục trên trâu bò. Một số bệnh những năm qua đã được khống chế tốt như: Nhiệt thán trâu bò, đóng dấu lợn, tai xanh, cúm lợn... vẫn có thể bùng phát trở lại.
Để bảo vệ đàn vật nuôi trước những nguy cơ phát sinh dịch bệnh cũng như ứng phó với những biến chủng mới, ông Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) chia sẻ kinh nghiệm của mình là tập trung chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, trước khi nuôi mới cần tuân thủ các quy trình vệ sinh tiêu độc môi trường; đồng thời nhập con giống ở những cơ sở được chứng nhận về chất lượng.
Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thường Tín Dương Xuân Tĩnh thông tin, dịch cúm gia cầm vẫn diễn biến phức tạp, các biến chủng độc lực cao A/H5N8, A/H5N1 xuất hiện liên tiếp, trong khi trên địa bàn huyện có chợ gia cầm Hà Vỹ, lớn nhất miền Bắc. Do vậy, Trạm sẽ tăng cường việc xét nghiệm tại các hộ buôn bán để kịp thời phát hiện; đồng thời có kế hoạch giám sát và ứng phó cụ thể khi dịch bệnh phát sinh.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương đẩy mạnh hoạt động truyền thông để người dân hiểu rõ những biến đổi (mang tính quy luật) đối với dịch bệnh gia súc, gia cầm để vừa thích nghi, vừa chủ động ứng phó khi phải đối mặt với những bệnh mới, chủng mới xuất hiện. Mặt khác, Sở tiếp tục tăng cường công tác hướng dẫn người chăn nuôi đẩy mạnh áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; có biện pháp ngăn chặn các loài côn trùng truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi...
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, các tỉnh, thành phố cần tập trung thông tin sâu rộng về tình hình cũng như các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đồng thời tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng… Cùng với đó là khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi và tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.