Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương và đơn vị liên quan chủ động ứng phó với bão Hato - cơn bão số 6.
Dự báo đường đi của bão Hato. |
Để chủ động ứng phó với bão Hato (bão số 6), Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên, các tỉnh miền núi phía Bắc; các bộ, ngành và đơn vị liên quan chủ động theo dõi diễn biến bão, để chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra do bão; sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu, cứu nạn khi có yêu cầu.
Các tỉnh miền núi phía Bắc kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực thấp trũng thường xuyên bị ngập để sẵn sàng phương án ứng phó; bố trí lực lượng kiểm soát, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại tại các ngầm, tràn, đường ngập nước, đò ngang, đò dọc trong trường hợp xảy ra mưa lũ; kiểm tra, rà soát phương án ứng phó, đảm bảo an toàn cho các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ đã đầy nước.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Thông tin Duyên hải và các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến bão, mưa lũ; tăng cường thời lượng phát sóng truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và chủ động phòng tránh. Các Bộ: Quốc Phòng, Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tùy theo chức năng, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương và các cơ quan liên quan rà soát phương án đảm bảo an toàn hồ chứa, đê điều, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu và những vị trí đê bị sự cố. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và thành phố Đà Nẵng đã có công điện chỉ đạo về việc ứng phó với bão số 6.
Đối với các hồ chứa thủy điện lưu vực sông Hồng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu đóng toàn bộ cửa xả các hồ Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang; riêng hồ Hòa Bình duy trì mở 1 cửa xả đáy.
Theo Vụ An toàn đập, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hồ chứa khu vực Bắc Bộ đạt từ 65-80% dung tích thiết kế, các hồ chứa khu vực Bắc Trung Bộ đạt từ 60-75% dung tích thiết kế; các hồ chứa khu vực Nam Trung Bộ đạt từ 60-70% dung tích thiết kế, các hồ chứa khu vực Tây Nguyên đạt 65-80% dung tích thiết kế; các hồ chứa tại các tỉnh Đông Nam Bộ đạt 60-75% dung tích thiết kế.
Hiện hồ Dầu Tiếng đang vận hành xả hạ thấp mực nước hồ với lưu lượng 100m/s. Theo báo cáo của các địa phương, các hồ chứa vừa và lớn do Công ty Kiểm tra công trình thủy lợi quản lý đã vận hành theo đúng quy trình được phê duyệt; các hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý theo dõi diễn biến mực nước và kiểm tra ổn định công trình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.