Từ 13h hôm nay (15-6), hai nhà máy thủy điện Sơn La, Tuyên Quang sẽ mở 3 cửa xả đáy. Các tỉnh, thành phố vùng hạ du sông Hồng chủ động biện pháp ứng phó với lũ.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, 7h sáng nay (15-6), mực nước thượng lưu hồ Sơn La đạt cao trình 209,15m; trong khi đó, lưu lượng đến hồ là 2.168m3/s, lưu lượng xả qua các tổ máy phát điện là 2.732m3/s. Còn mực nước thượng lưu hồ Tuyên Quang đạt cao trình 118,57m; lưu lượng đến hồ là 1.861m3/s, lưu lượng xả qua 1 cửa xả đáy và các tổ máy phát điện là 1.220m3/s.
Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 57/CĐ-TTg ngày 10-6-2024 để đưa dần mực nước thượng lưu các hồ về cao trình mực nước cao nhất trước lũ theo quy định, sáng 15-6, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La và Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang mở 1 cửa xả đáy hồ Sơn La vào hồi 13h ngày 15-6; mở tiếp 1 cửa xả đáy hồ Tuyên Quang vào hồi 13h cùng ngày...
Để bảo đảm an toàn về người và tài sản khi hồ thủy điện xả lũ, sáng 15-6, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang; rà soát, bảo đảm an toàn các công trình đang thi công; các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin xả lũ hồ thủy điện Sơn La và hồ thủy điện Tuyên Quang để chủ động các biện pháp phòng tránh bảo đảm an toàn về người, tài sản. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với chủ hồ có giải pháp bảo đảm an toàn đối với người dân hiếu kỳ đến gần khu vực xem xả lũ...
Thực hiện các chỉ đạo trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã rà soát phương án chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện để phòng, chống lũ, bảo đảm an toàn đê điều theo các cấp báo động, nhất là phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu; rà soát, sẵn sàng phương án, biện pháp bảo đảm an toàn khi các hồ chứa xả lũ, bao gồm hệ thống đê điều, đê bối, công trình đang thi công, lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông, ven sông, phương tiện vận tải thủy, các bến đò, hoạt động khai thác khoáng sản, canh tác nông nghiệp, sản xuất kinh doanh khác trên bãi sông, ven sông...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.