Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động thông tin để làm chủ “trận địa” truyền thông

Lê Đức Hải| 19/01/2015 06:18

(HNM) - Gần đây, trên một số trang mạng xã hội tiếng Việt, xuất hiện những thông tin bịa đặt, xúc phạm danh dự một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bôi nhọ các tổ chức, cá nhân khiến dư luận bức xúc, lo lắng.

1. Gần đây, trên một số trang mạng xã hội tiếng Việt, xuất hiện những thông tin bịa đặt, xúc phạm danh dự một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bôi nhọ các tổ chức, cá nhân khiến dư luận bức xúc, lo lắng. Vì là mạng xã hội nên thông tin này (dù bịa đặt, vu khống) có tốc độ lan truyền rất nhanh, thu hút không ít comment, bình luận, mặc nhiên coi đó là sự thật. Tương tự là những thông tin sai lệch về tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng ban Nội chính Trung ương, cũng liên tục xuất hiện trên mạng xã hội những ngày vừa qua; hay trước đó là tin đồn về chủ tịch một ngân hàng lớn bị bắt giữ...

Trước hết, cần nhận diện rõ đằng sau những chuyện đơm đặt, "ăn không, nói có" này là gì?

Nếu xâu chuỗi lại sẽ thấy những thông tin tưởng chừng tào lao, "câu view" này lại có mục đích rất rõ ràng. Không khó để nhận ra đằng sau đó là âm mưu bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm sút niềm tin của nhân dân, chống phá chế độ, phá hoại sự ổn định của xã hội và sự phát triển của đất nước…

Phải khẳng định rằng, sự ổn định, ngày càng phát triển đi lên của đất nước Việt Nam dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý, điều hành của bộ máy Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, lại là điều không mong muốn của những đối tượng thù địch. Chúng không từ thủ đoạn nào để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, chống phá đất nước và dân tộc Việt Nam. Một trong những thủ đoạn đó là lợi dụng tự do, dân chủ để tuyên truyền, kích động nhằm âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn, lật đổ. Chính vì vậy, người dân Việt Nam cũng chẳng lạ gì những chiêu trò tung tin thất thiệt, nói xấu, kích động... thường xuất hiện trước những kỳ sự kiện lớn của đất nước. Tuy nhiên, nếu như trước đây những thông tin "vỉa hè"... thường xuất hiện "rỉ rả" kiểu truyền miệng, thậm chí phát tán truyền đơn..., nhưng trong vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều "luồng gió độc" đến từ thế giới ảo, tức là trên môi trường interrnet. Đáng lo ngại là do máy chủ của các trang mạng xã hội - xuất phát điểm của những thông tin sai trái này - đều đặt ở nước ngoài, hình thành bởi sự cấu kết một cách tinh vi của các đối tượng bất mãn, phản động trong nước, nên đã gây khó khăn cho công tác xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam.

Tất nhiên, dù khó khăn thì việc ngăn chặn, xử lý các đối tượng này cũng phải được tiến hành một cách quyết liệt và đồng bộ. Vấn đề ở đây mà chúng tôi muốn đề cập ở một góc độ khác - đó là chủ động cung cấp thông tin đúng trong quá trình ngăn chặn những thông tin sai sự thật, vu khống...

2. Từ những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI đến nay, nhân loại đã chứng kiến sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ, trong đó có lĩnh vực thông tin - truyền thông. Thời điểm này, thế giới có hơn 2 tỷ người sử dụng internet (ở Việt Nam là hơn 30 triệu người). Đặc biệt, vài năm trở lại đây, sự bùng nổ của điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng đã giúp người sử dụng có thể "kết nối cả thế giới trong tầm tay" ở mọi nơi, mọi lúc. Cùng với báo điện tử, trên internet xuất hiện ngày càng nhiều các mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, kết nối thông tin, điển hình là Facebook, Twitter, YouTube, Google, Yahoo Chat, Gmail... Gần như toàn bộ giới trẻ ở Mỹ, EU và một số nước Châu Á thường xuyên dùng mạng xã hội. Riêng Facebook, chỉ sau mấy năm ra đời đã có cả tỷ người trên khắp thế giới sử dụng.

Không thể phủ nhận thế mạnh cũng như tiện ích của internet, đi cùng đó là mạng xã hội, là thông tin và thương mại - đặc biệt là tính năng mở đã giúp mạng xã hội trở thành phương tiện giao lưu trực tuyến của mọi người. Thế nhưng, bên cạnh những thuận tiện thì mạng xã hội cũng mang lại không ít hệ lụy phức tạp khôn lường. Chưa nói đến "hội chứng nghiện Facebook" (người sử dụng quá mê mải với thế giới ảo mà xao nhãng công việc, bỏ bê gia đình, thui chột kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống thực, ảnh hưởng đến học tập, tiếp thu tri thức mới...), việc mạng xã hội đưa thông tin - bao gồm cả ảnh, clip - vượt quá giới hạn cá nhân (của người sử dụng) và thiếu kiểm chứng, cùng với đó là những comment ác ý, dễ làm tổn thương người khác, đã trở nên khá phổ biến. Ở Việt Nam, dư luận đã quá ngán ngẩm với hiện tượng "sao" lên mạng khoe thân, khoe của; lập diễn đàn để nói xấu, triệt hạ đối thủ; có điều những diễn đàn như vậy lôi kéo rất nhiều người tham gia, lời qua tiếng lại ồn ào... Đáng nói là sự bóp méo thông tin, thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội còn có sự tham gia, tiếp tay của không ít báo điện tử với động cơ câu view, chạy theo lợi nhuận... Đơn cử như vụ "bố chồng - con dâu", "hiện tượng Lệ Rơi" hay mới đây là vụ trang web TripAdvisor xếp Hà Nội đứng thứ 9 trong danh sách 10 thành phố có nạn trộm cắp, móc túi nhất thế giới (!)...

Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.

3. Mặt trái của mạng xã hội thời gian gần đây đã thể hiện rõ hơn và nguy hiểm hơn mục đích chính trị, đe dọa đến trật tự xã hội, sự tồn tại của chính phủ các nước trên thế giới. Không còn giới hạn ở những chuyện "vô thưởng, vô phạt" mà giờ đây là những thông tin có tầm ảnh hưởng chính trị, ý thức hệ, kích động chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo. Vẫn là những "kịch bản" cũ như: mạo danh đạo đức, chân lý, lẽ phải để gây nhiễu loạn thông tin, nói xấu làm giảm sút uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, giảm sút niềm tin của người dân, chia rẽ nội bộ, kích động bạo loạn, lật đổ..., nhưng gần đây các thế lực thù địch đã chuyển hướng tấn công sang "mặt trận" mới, đó là không gian ảo. Vốn dĩ bản chất của internet là "không biên giới" nên những thông tin độc hại trên mạng xã hội có tốc độ xâm nhập, lan truyền rất nhanh và không dễ kiểm soát, ngăn chặn.

Có thể dẫn ra đây những biến động chính trị - xã hội to lớn, sâu sắc tại một số "điểm nóng" trên thế giới trong vài năm trở lại đây: "Cách mạng hoa nhài" ở Bắc Phi và Trung Đông - hậu quả là Tổng thống Tuynidi và Ai Cập bị lật đổ, nhà lãnh đạo Gadhafi của Lybia bị phế truất và bị giết một cách thảm khốc; hay nội chiến, bất ổn kéo dài ở Syria và Yemen; bạo động đường phố ở Anh (tháng 8-2011); "phong trào chiếm phố Wall" (Mỹ, tháng 9-2011); mới đây là biểu tình lan rộng ở Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) kéo dài hơn hai tháng cuối năm 2014 vừa qua, lúc cao điểm thu hút hơn 100.000 người tham gia... Các sự kiện này cho thấy mức độ ghê gớm của truyền thông và mạng xã hội khi các lực lượng đối lập sử dụng "vũ khí" lợi hại là Facebook, Twitter để lôi kéo, kích động đám đông... Chứng kiến sức mạnh của mạng xã hội, các nhà phân tích cho rằng đây chính là quyền lực thứ 5 (sau 4 quyền lực gồm lập pháp, tư pháp, hành pháp và báo chí mà phương Tây đã công nhận). Thậm chí, giới lãnh đạo nhiều nước phương Tây còn gọi internet, Facebook, Twitter... là "công cụ của bạo loạn".

Trở lại với câu chuyện mạng xã hội đưa tin sai sự thật nhằm bôi xấu hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, âm mưu chia rẽ nội bộ... Có thể nói rằng, sự xuất hiện ngày càng nhiều thông tin sai trái trên mạng internet, trước đó là cuộc tấn công có chủ đích vào VCCorrp - doanh nghiệp công nghệ truyền thông hàng đầu của Việt Nam, cho thấy dấu hiệu một cuộc chiến tranh thông tin - truyền thông đang nhắm vào đất nước ta.

Câu hỏi đặt ra là khả năng phản ứng, đối phó với "cuộc chiến truyền thông mạng" của chúng ta như thế nào?

Trước sự việc mạng xã hội có máy chủ ở nước ngoài đưa hình ảnh tòa lâu đài nguy nga, bịa đặt rằng đây là tài sản của một nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, tương tự là những thông tin sai lệch về sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh hay lãnh đạo một ngân hàng lớn bị bắt giữ..., đáng tiếc là phản ứng ban đầu của các cơ quan chức năng là... im lặng! Phản ứng có phần bị động này đã gây hoang mang, ngờ vực trong nhân dân, chỉ đến khi cơ quan chức năng công bố bức ảnh tòa lâu đài nọ là của Thủ tướng Pakistan; tương tự là Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương chính thức thông tin về tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh thì mọi chuyện mới "hai năm rõ mười".

Thực tế trên cho thấy, để đối phó với thông tin độc hại, sai trái trên mạng xã hội, không thể chỉ hoàn toàn dựa vào những "rào cản" kỹ thuật và pháp lý, nhất là trong bối cảnh nền khoa học - công nghệ trên thế giới phát triển rất nhanh như hiện nay. Vấn đề ở đây là các cơ quan chức năng - trong đó có báo chí, truyền thông - phải kịp thời sử dụng thông tin chính thống để làm chủ "trận địa" mạng xã hội, đồng thời định hướng dư luận. Đã đến lúc, chúng ta cần chấm dứt "cơ chế" thông tin kiểu "úp úp mở mở" mà cái gì cần công khai thì phải chủ động công khai. Đây cũng chính là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị do Văn phòng Chính phủ tổ chức cuối tuần qua. Thủ tướng khẳng định không thể ngăn cấm thông tin trên mạng xã hội; đối với những thông tin chưa đúng thì phải có thông tin chính xác, kịp thời đưa lên mạng xã hội để định hướng người dân. Trong

một bài viết mới đây, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho rằng việc sử dụng các trang mạng xã hội, báo chí, các loại hình thông tin khác trên internet là một xu thế không thể phủ nhận. Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng cường quản lý, tăng cường tuyên truyền để nâng cao "sức đề kháng" cho người dân, nhất là trong giới trẻ, chúng ta phải quy hoạch hệ thống báo chí, qua đó tập trung đầu tư xây dựng những đơn vị tiên phong, đủ mạnh để cạnh tranh, chiếm lĩnh "trận địa" thông tin. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, báo chí phải mạnh về tư tưởng chính trị cũng như nội dung thông tin..., đặc biệt là "trên tinh thần công khai, minh bạch, nhưng phải đặt trên cơ sở an ninh quốc gia, vì lợi ích của đất nước".

Về nguyên lý, về góc độ truyền thông thì lấy cái tốt, cái đúng, cái chân thật để chống cái xấu, cái sai, cái giả dối, là một trong những cách làm luôn đúng trong mọi giai đoạn, càng đúng trong giai đoạn hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động thông tin để làm chủ “trận địa” truyền thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.