Xã hội

Chủ động phương án cứu trợ, bảo đảm đời sống nhân dân sau cơn bão số 3

Mai Hoa (thực hiện) 12/09/2024 - 10:30

Nhằm kịp thời khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3 (bão Yagi), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã và đang phối hợp chặt chẽ cùng UBND các quận, huyện, thị xã để chủ động triển khai các phương án.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về nội dung này.

bo-tri-cho-luu-tru.jpg
Người lang thang ở gầm cầu Long Biên thuộc địa bàn phường Ngọc Thuỵ (quận Long Biên, Hà Nội) được bố trí lưu trú tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Nhung Phương

- Thưa bà, là đơn vị được UBND thành phố giao nhiệm vụ phụ trách công tác cứu trợ và bảo đảm đời sống nhân dân, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã và đang tập trung triển khai các đầu việc gì?

- Thực hiện Công điện số 13/CĐ-UBND ngày 9-9-2024 của UBND thành phố về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông, Công văn số 4206/BLĐTBXH-CBTXH ngày 10-9-2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ứng phó, khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã và đang phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, thị xã theo dõi sát tình hình mưa lũ, thông tin về việc mở cửa xả đáy các hồ thủy điện... để chủ động, sẵn sàng triển khai phương án cứu trợ, bảo đảm đời sống nhân dân tại địa phương.

Hiện nay, mực nước các sông trên địa bàn Hà Nội đang ở mức cao, một số địa bàn đã bị ngập, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đề nghị, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện rà soát, tuyên truyền, vận động, sẵn sàng phương án di dời người dân ở vùng trũng, những nơi có nguy cơ ngập sâu, nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, đồng thời, bảo đảm đầy đủ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho người dân. Trong đó, chủ trương xuyên suốt của thành phố là đặc biệt quan tâm đến người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn để trợ giúp kịp thời, không để người dân bị thiếu lương thực, nước uống...

- Không ít trường hợp nạn nhân bị ảnh hưởng của bão lũ bị sập nhà, hoặc nhà bị ngập nặng, nhà ở khu vực nguy hiểm, tạm thời không có chỗ lưu trú. Những trường hợp này sẽ được bố trí ra sao, thưa bà?

- Thực tế, các địa phương đều có phương án bố trí địa điểm để di dời người dân theo phương án cứu trợ và bảo đảm đời sống nhân dân của từng địa phương. Tuy nhiên, trước diễn biến bất thường, nguy hiểm của thiên tai, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cùng đồng hành, chia sẻ với các địa phương và sẵn sàng tiếp nhận người dân đến tạm trú tại các đơn vị trực thuộc Sở trong thời gian úng ngập.

Bất cứ trường hợp nào cần thiết bố trí nơi lưu trú tạm thời, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã liên hệ ngay với các đơn vị trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đóng trên địa bàn Thủ đô. Chúng tôi đã yêu cầu 19 đơn vị trực thuộc luôn sẵn sàng ứng trực, bố trí tiếp nhận người dân của các địa phương đến lưu trú tạm thời trong thời gian mưa lũ với khả năng tiếp nhận bước đầu lên đến 3.590 người.

danh-sach-19-don-vi.jpg
Danh sách 19 đơn vị trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội luôn sẵn sàng ứng trực, bố trí tiếp nhận người dân của các địa phương đến lưu trú tạm thời trong thời gian mưa lũ.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng yêu cầu, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở theo dõi sát tình hình mưa lũ, thông tin về việc mở cửa xả đáy các hồ thủy điện, nguy cơ ngập lụt, sạt lở tại địa phương... để chủ động, sẵn sàng công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra tại đơn vị và trên địa bàn.

Các đơn vị đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng phải chủ động triển khai phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho đối tượng, tài sản của đơn vị, đồng thời, rà soát các khu vực phòng ở của đối tượng có nguy cơ ngập sâu, sạt lở để di chuyển đối tượng đến khu vực an toàn, bảo đảm đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm phục vụ đối tượng trong ít nhất 7 ngày.

Các đơn vị: Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em, Trung tâm Bảo trợ xã hội 1, Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 phối hợp với chính quyền địa phương đưa người lang thang vô gia cư, người dân các tỉnh chưa về được địa phương do mưa lũ, không có nơi ở vào lưu trú tạm thời tại đơn vị.

- Các trường hợp nạn nhân của cơn bão số 3 đa phần cần được trợ giúp xã hội khẩn cấp, họ sẽ được hỗ trợ cụ thể ra sao, thưa bà?

- Việc thực hiện công tác trợ giúp xã hội khẩn cấp được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (áp dụng mức chuẩn trợ cấp 500.000 đồng theo Nghị định số 76/2024/NĐ-CP ngày 1-7-2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội).

Trong trường hợp thiếu nguồn lực, UBND quận, huyện, thị xã chủ động làm văn bản đề nghị trợ giúp gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, trong đó ghi rõ nội dung, số lượng cần trợ giúp cụ thể. Đồng thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã thành lập nhóm Zalo “Cứu trợ”, kết nối 24/24h với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội 30 quận, huyện, thị xã để thường xuyên cập nhật, báo cáo kịp thời về tình hình thiệt hại do thiên tai, bao gồm thống kê địa bàn bị ngập sâu, bị cô lập, nêu rõ số nhà bị sập, đổ, trôi, hư hỏng nặng, số hộ phải di dời khẩn cấp, số người tử vong, bị thương... Tất cả nhằm giúp cho công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ, trợ giúp người bị ảnh hưởng được triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phương án cứu trợ, bảo đảm đời sống nhân dân sau cơn bão số 3

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.