(HNM) - Hiện đang là thời điểm giao mùa xuân - hè, nhiều ngày thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi để vi rút hợp bào hô hấp (RSV) phát triển mạnh. Vi rút RSV gây bệnh đường hô hấp dưới và viêm phổi ở trẻ với khả năng lây lan mạnh.
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương, có tới 90% trẻ em nhiễm loại vi rút RSV này trong 2 năm đầu đời, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch còn kém. Khi trẻ nhiễm vi rút RSV, triệu chứng khởi phát ban đầu thường là ho khan, hắt hơi, sổ mũi và có thể sốt nhẹ tới cao. Các triệu chứng này rất dễ bị nhầm lẫn với nhiễm cúm hay các loại vi rút khác. Đến giai đoạn toàn phát, trẻ có dấu hiệu khò khè, ho nhiều, thở nhanh.
Bác sĩ chuyên khoa nhi lưu ý các bậc phụ huynh, nếu thấy trẻ có một trong những biểu hiện sốt cao, co giật, tím tái, bỏ bú, kém ăn, thở nhanh, rút lõm lồng ngực thì cần đưa đến ngay bệnh viện. Với trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi hoặc trẻ có bệnh lý nền: Tim bẩm sinh, trẻ sinh non, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ bị loạn sản phổi,… thì bệnh có xu hướng tiến triển nặng hơn nên cha mẹ cũng nên hết sức lưu ý cho trẻ đi khám sớm để kiểm soát và điều trị kịp thời.
Vi rút RSV có thể tồn tại trên bề mặt của các đồ vật cứng tới hơn 6 giờ, sống trên quần áo và bàn tay khoảng 1 giờ. Hiện nay, chưa có vắc xin phòng ngừa vi rút RSV. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, cha mẹ có thể chủ động phòng tránh giảm nguy cơ nhiễm vi rút RSV cho trẻ, tránh bùng phát thành dịch. Theo đó, cần cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời kéo dài đến 2 tuổi; thường xuyên rửa tay sạch sẽ, nhất là khi vừa tiếp xúc với những trường hợp có biểu hiện cảm cúm; giữ gìn môi trường sạch sẽ, thoáng mát; vệ sinh mũi họng, thân thể, rửa tay thường xuyên cho trẻ; rửa sạch đồ chơi và vệ sinh các bề mặt trẻ hay chạm vào; khi cho trẻ ra ngoài cần đeo khẩu trang; không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.