Góc nhìn

Chủ động phòng ngừa tội phạm công nghệ cao

Đình Hiệp 31/03/2024 - 06:26

Tại buổi họp báo do thành phố Hà Nội tổ chức chiều 28-3, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố đã thông tin về kết quả điều tra vụ án thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, khi nhiều đối tượng dùng các tài khoản mạng xã hội giả, liên quan đến tài khoản mạng xã hội “Huấn hoa hồng” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy mô lớn.

Thủ đoạn của các đối tượng là mua lại các tài khoản Facebook, Zalo được đăng ký từ trước, sau đó sử dụng hình ảnh của Bùi Xuân Huấn để đăng tải, chạy quảng cáo, hỗ trợ vay vốn từ 30 đến 500 triệu đồng, với thủ tục nhanh gọn. Khi bị hại kết bạn, các đối tượng đưa ra các lý do lừa đảo chuyển tiền, phí đặt cọc, phí bảo hiểm, phí giải ngân tài khoản để chiếm đoạt tài sản…

Từ vụ việc trên cho thấy, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tuy không mới nhưng ngày càng diễn ra tinh vi, với phương thức thủ đoạn thường xuyên thay đổi. Gần đây, các đối tượng chuyển qua sử dụng một số app (ứng dụng) lừa đảo khó phát hiện. Công an thành phố Hà Nội đã “điểm mặt” 24 thủ đoạn cơ bản mà các đối tượng này thực hiện để người dân nhận biết, phòng ngừa.

Theo đó, thủ đoạn phổ biến mà các đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện là gọi điện cho người dân, tự giới thiệu là cán bộ của các cơ quan nhà nước yêu cầu bổ sung thông tin căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử... hướng dẫn cài đặt các ứng dụng, truy cập website giả mạo. Sau đó, chúng chiếm quyền sử dụng thiết bị, tài khoản ngân hàng của người bị hại và chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản đến các tài khoản khác để chiếm đoạt. Đối tượng cũng đánh cắp quyền truy cập các tài khoản mạng xã hội, sử dụng mạo danh chủ tài khoản nhắn tin đề nghị chuyển hộ tiền, vay tiền hoặc mua thẻ cào điện thoại gửi cho chúng.

Thực tế các chuyên án triệt xóa vừa qua cho thấy, tội phạm sử dụng công nghệ cao là loại tội phạm “phi truyền thống”, địa bàn hoạt động rộng, không phân biệt biên giới, lãnh thổ khi nhiều đối tượng chủ mưu ở nước ngoài. Đấu tranh với loại tội phạm này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt không chỉ cơ quan chức năng mà còn cần ý thức chủ động phòng ngừa của mỗi người dân.

Trước hết về phía các cơ quan chức năng, cần chủ động nắm tình hình, triển khai đồng bộ giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ; tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; xác minh, điều tra, xử lý nghiêm hành vi phạm tội. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mạng, đặc biệt là phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hoạt động sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có yếu tố nước ngoài.

Cùng với đó là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, các cơ quan công an thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp với cơ quan, bộ, ngành, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet. Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn mọi sơ hở, điều kiện làm phát sinh tội phạm; tăng cường ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực, “làm sạch” tài khoản thuê bao di động (xóa bỏ sim rác), tài khoản cá nhân…

Với mỗi tổ chức, cá nhân cần đề cao cảnh giác khi nhận cuộc gọi đến bằng điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Thường xuyên kiểm tra, cập nhật tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên tài khoản mạng xã hội. Không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng ngừa tội phạm công nghệ cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.