An ninh trật tự

Chủ động phòng ngừa tệ nạn trên không gian mạng

Vũ Minh 30/08/2023 - 06:44

Tội phạm trên không gian mạng ngày càng tinh vi, nên người sử dụng mạng xã hội dễ bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia các hoạt động được coi là tệ nạn xã hội.

Chính vì vậy, các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, đồng thời áp dụng biện pháp nghiệp vụ để phòng, chống tệ nạn xã hội trên không gian mạng; tăng cường tuyên truyền để mọi người, đặc biệt là học sinh, sinh viên chủ động tránh xa cạm bẫy.

bong-cuoi.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở tập kết bình khí N2O (bóng cười) trái phép tại phường Thổ Quan (quận Đống Đa), tháng 8-2023. Ảnh: Nguyễn Duyên

Phát hiện nhiều vụ việc

Theo thông tin từ Ủy ban quốc gia Phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, những tháng đầu năm nay, lực lượng Công an phát hiện, xử lý 7 vụ mua bán trái phép chất ma túy trên không gian mạng; phát hiện 393 kênh, hội nhóm, tài khoản cá nhân có hoạt động quảng cáo mua bán trái phép chất ma túy; 9 trang web có nội dung hướng dẫn trồng cây thuốc phiện, cần sa...

Vào ngày 22-8 vừa qua, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an thành phố Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Đống Đa) và Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) kiểm tra một cơ sở nghi tập kết bình khí N2O (bóng cười) trái phép tại phường Thổ Quan, quận Đống Đa. Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác thu giữ khoảng 70 bình khí N2O các loại và chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ hợp pháp. Bước đầu, chủ cơ sở khai thu mua bình N2O trên mạng xã hội với giá 300.000-500.000 đồng, sau đó bán lại với giá 600.000-700.000 đồng.

Học viên H.Y.V, đang điều trị tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội cho biết: “Thời gian ở ngoài cộng đồng, mỗi khi “nhớ” thuốc, tôi có thể mua các chất ma túy qua mạng xã hội mà không biết người bán là ai, ở đâu”...

Tệ nạn mại dâm cũng diễn biến hết sức phức tạp trên không gian mạng, mà vụ việc Công an thành phố Hồ Chí Minh vừa triệt phá đường dây hoạt động mại dâm “cao cấp” quy mô lớn, do một cựu nữ tiếp viên hàng không “vận hành” là ví dụ. Tại Hà Nội, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) cũng liên tục cảnh báo về tệ nạn mại dâm biến tướng, “núp bóng” trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoặc qua các diễn đàn, nhóm kín trên không gian mạng.

Do thông tin xuất hiện ngày một nhiều, đối tượng sử dụng những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khiến người sử dụng không gian mạng dễ bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia các tệ nạn xã hội hoặc không may trở thành nạn nhân của nạn mua, bán người.

Trong khi đó, ở nước ta hiện nay, đa số người dân, nhất là giới trẻ đều có thể bước vào không gian mạng thông qua Facebook, Instagram, Viber, Telegram, WhatsApp... nhưng không phải ai cũng có đủ kiến thức, kỹ năng để ứng xử sao cho bảo đảm an toàn. Điều này lý giải vì sao có những người trẻ lầm đường, lạc lối do tiếp cận với những thông tin lệch chuẩn trên không gian mạng, quen biết với những người bạn không tốt trên thế giới ảo.

Tăng cường tuyên truyền và đấu tranh, triệt phá

Mặc dù các cơ quan chức năng cũng như mỗi người đều nhận thấy rõ những nguy cơ, sự phức tạp của tệ nạn xã hội trên không gian mạng. Thế nhưng, việc phát hiện, xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm không hề dễ dàng.

Về ma túy, theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), nhóm chủ mưu, cầm đầu đường dây hoạt động trên không gian mạng rất am hiểu công nghệ thông tin, họ đặt máy chủ ở một nước thứ ba, có tính bảo mật cao. Trong quá trình hoạt động, các đối tượng sử dụng sim điện thoại của nước ngoài để kết nối toàn cầu, ít để lại dấu tích phạm tội trên điện thoại, nên khi bị phát hiện, bắt giữ, các lực lượng chức năng không dễ xác định rõ hành vi phạm tội của đối tượng. Cần lưu ý, đối tượng sử dụng các công ty vận tải để nhận và vận chuyển ma túy xuyên quốc gia (giấu ma túy trong các container hàng hóa như hạt đậu, hạt nhựa PP, dạ dày lợn...); dùng “xe ôm công nghệ” để nhận và vận chuyển ma túy trong nước, nhằm hạn chế sự kiểm tra, phát hiện của lực lượng chức năng...

Về hoạt động mại dâm, tại báo cáo Ủy ban quốc gia Phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm về công tác phòng, chống mại dâm những tháng đầu năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, các đối tượng liên quan thường tiến hành giao dịch trên không gian mạng. Cách thức thanh toán cho hành vi “mua, bán” qua khâu trung gian, bằng tài khoản ngân hàng không chính chủ, nạp tiền qua các đại lý game online, thậm chí dùng tiền ảo, nên các lực lượng chức năng rất khó phát hiện... Với những trường hợp phát hiện được, thì mức xử phạt cho hành vi này còn quá nhẹ, nên chưa đủ sức răn đe để họ không tái hoạt động, càng chưa đủ sức cảnh cáo, răn đe với đối tượng khác…

Tương tự, hoạt động của đối tượng mua, bán người chủ yếu theo hình thức gián tiếp, sử dụng tài khoản ảo trong các hội, nhóm thông qua mạng xã hội, khiến các cơ quan chức năng không dễ thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm của các đối tượng…

Trước thực trạng nêu trên, các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp đấu tranh, triệt phá. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống tệ nạn xã hội với những “kịch bản” linh hoạt. Tại Hà Nội, UBND thành phố giao các sở, ngành chức năng nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ phục vụ công tác phòng, chống ma túy, mại dâm, mua, bán người. Các đơn vị, nhà trường tuyên truyền, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa nhằm trang bị cho học sinh, sinh viên kỹ năng giao tiếp, ứng xử phù hợp trên không gian mạng, góp phần giúp mỗi người chủ động tránh xa cạm bẫy…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng ngừa tệ nạn trên không gian mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.