Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè

An Hà| 11/06/2022 14:47

(HNMCT) - Bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não đang bùng phát mạnh tại nhiều địa phương. Do đó, mỗi người dân cần cảnh giác, chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

Rửa tay thường xuyên là cách phòng, chống các bệnh mùa hè hữu hiệu. Ảnh: Diệu Anh

Trả giá nếu chủ quan

Theo các chuyên gia y tế, viêm não Nhật Bản hay gặp trong mùa hè là bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho hay, vừa qua cơ sở tiếp nhận nhiều trẻ mắc viêm não Nhật Bản. Các trẻ được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao, nôn ói, đau đầu, mệt mỏi. Đặc biệt, có 2 trẻ bị nặng, lú lẫn và co giật.

Các chuyên gia cảnh báo, thời gian tới, dịch bệnh có xu hướng gia tăng. Bệnh có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (25 - 35%). Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ từ 2 - 8 tuổi.

Ngoài vi rút viêm não Nhật Bản, gần đây, khoa Điều trị tích cực của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng ghi nhận một số trẻ mắc viêm não do HSV, HHV-6 (human Herpes type 6) hoặc do Covid-19. Trong số đang điều trị, có rất nhiều trẻ trở nặng do cha mẹ chủ quan, không nhận biết các dấu hiệu sớm của viêm não, tự ý mua thuốc điều trị.

Ngoài viêm não, số lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang có chiều hướng gia tăng. Trong tháng 4 và tháng 5, Bệnh viện ghi nhận 776 trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám, tăng 759 ca so với 2 tháng trước đó. Trong số đó có 114 trẻ phải nhập viện điều trị. Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, giai đoạn giao mùa là thời điểm thuận lợi nhất cho vi rút gây bệnh phát triển.

Đa phần trẻ mắc tay chân miệng có diễn biến nhẹ, tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí tử vong. Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho thấy, cả nước ghi nhận 8.017 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 1 trường hợp không qua khỏi.

Mùa mưa bắt đầu cũng là lúc dịch sốt xuất huyết gia tăng. Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh viện hiện đã tiếp nhận một số ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, trong đó có một nam bệnh nhân nhập viện khi sốt đã 3 ngày vì chủ quan nghĩ mình bị Covid-19 chứ không phải sốt xuất huyết. Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng nặng, lượng tiểu cầu đã giảm gần như bằng 0, bị biến chứng tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, xuất huyết nhiều nơi, dù đã được cứu sống nhưng khó tránh khỏi di chứng lâu dài.

Tăng cường truyền thông

Trong mùa dịch viêm não, chuyên gia y tế khuyến cáo các gia đình cần chú ý đến những bé sốt, đau đầu nhiều, nôn, buồn nôn mà việc dùng thuốc hạ sốt không mang lại hiệu quả giảm sốt, giảm đau. Nếu có triệu chứng buồn nôn, nôn không liên quan đến bữa ăn thì cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện sớm nhất để được chẩn đoán và điều trị sớm, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

So với các thể viêm não khác, bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản rất nguy kịch, có nguy cơ để lại di chứng thần kinh. Diễn tiến của bệnh viêm não nói chung và viêm não Nhật Bản nói riêng thường phức tạp và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Ngoài ra, cần thực hiện việc tiêm đủ vắc xin cho trẻ...

Để phòng bệnh tay chân miệng, bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo, vệ sinh thường xuyên cho trẻ là điều quan trọng để giảm khả năng lây nhiễm. Khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh cho con ăn uống bình thường, đủ dinh dưỡng, chú ý vệ sinh cơ thể, ăn chín uống sôi. Đặc biệt, phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu trẻ sốt cao liên tục, lờ đờ, giật mình, run tay chân... Khi đó, cần cho trẻ đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

Với sốt xuất huyết, người dân thường mắc một số sai lầm như cạo gió, kiêng tắm, hạ sốt. Bác sĩ Đỗ Duy Cường, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng, người mắc sốt xuất huyết thường xuất hiện những nốt đỏ như xuất huyết dưới da. Nhiều phụ huynh, nhất là gia đình ở khu vực vùng sâu, vùng xa có thói quen cạo gió để hút bớt máu độc ra ngoài. Đây là hành động nguy hiểm vì có thể gây tình trạng chảy máu khó cầm, nhiễm trùng. Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh vẫn có thể tắm gội với nước ấm trong phòng kín gió. Cần nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, ăn uống đa dạng, chú ý đồ dễ tiêu, uống nhiều nước, bao gồm cả nước trái cây, dung dịch điện giải Oresol. Khi thấy dấu hiệu như sốt cao không hạ, chân tay lạnh, vật vã, mệt mỏi li bì, đau bụng, nôn... thì cần lập tức đến cơ sở y tế.

Trước nguy cơ dịch bệnh mùa hè tấn công, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường tuyên truyền về dấu hiệu khi mắc bệnh và thông tin về cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất để người dân đến khám, điều trị kịp thời. Đối với những bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin, các địa phương phải vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.