Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động phòng chống các bệnh mùa hè

Hương Thủy| 21/05/2014 16:40

(HNMO) - Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đã yêu cầu như vậy đối với ngày y tế và các quận, huyện tại cuộc họp Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh thành phố diễn ra chiều 21/5.

Tại buổi họp


Tại đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhận định, sau một thời gian tích cực phòng chống, đến nay, dịch sởi trên địa bàn thành phố đã giảm rõ rệt và Hà Nội đã đến được gần đích dập hẳn dịch.

Tuy nhiên, “không phải vì thế mà chủ quan, bởi hiện vẫn còn bệnh nhân nặng” -Phó Chủ tịch nói. Vì thế, Phó Chủ tịch yêu cầu ngành y tế và các quận, huyện phải theo dõi, giám sát chặt chẽ các trường hợp bị sởi đã được xuất viện và những trường hợp hoãn tiêm  vắc xin sởi để không có thêm trường hợp mắc mới.

Với các dịch bệnh mùa hè khác, Phó Chủ tịch khá lo lắng vì mặc dù so với cùng kỳ năm trước một số dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng giảm nhưng tuần qua số ca mắc khá cao. Vì vậy, Phó Chủ tịch yêu cầu ngành y tế và các quận, huyện phải chủ động phòng chống dịch ngày từ đầu, không để các dịch bệnh phát triển.

Cụ thể, cần tăng cường tuyên truyền về dịch bệnh mùa hè, trong đó ngay trong tuần này in các tờ rơi về dịch bệnh và gửi đến từng gia đình để tuyên truyền.

Ngành y tế phải phân tích các trường hợp mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt phát ban, chẩn đoán đúng bệnh để tránh bị biến chứng; nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh.

Những nơi có dịch bệnh phát sinh như Phú Xuyên thì phải phải khoanh vùng, tìm nguyên nhân, đưa phác đồ điều trị, kiên quyết không để xảy ra trường hợp tử vong. Đồng thời, các địa phương tổ chức vệ sinh môi trường như diệt bọ gậy, muỗi để chống dịch bệnh.

Phó Chủ tịch lưu ý, thời gian tới các học sinh nghỉ hè, vì thế các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi, phòng chống dịch dịch mùa hè cho các trẻ nhỏ.

Với công tác điều trị, ngành y tế đánh giá lại việc điều trị sởi tại 5 bệnh viện của địa bàn và đề xuất phương án phân tuyến, phân luồng khi có dịch mùa hè xảy ra nhằm tránh lây chéo.

Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Sở Y tế chủ trì phối hợp với Sở Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn kiểm tra nguồn thực phẩm bếp ăn tập thể ở nhóm trẻ gia đình, các nơi vui chơi nhằm tránh các trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội tại buổi họp, thời gian qua dịch bệnh sởi giảm rõ rệt. Số bệnh nhân sốt phát ban nghi nhận trung bình hàng ngày giảm còn 66 ca so với 71 ca của tuần từ ngày 7-13/5 trước. Số bệnh nhân sốt phát ban trung bình ngày vào viện giảm còn 46 ca so với 63 ca thời gian trước.

Đến ngày 20/5, có 290/540 xã, phường, thị trấn đã qua 21 ngày không có bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi, tăng thêm 55 xã, phường, thị trấn so với tuần trước. Đáng chú ý, số quận, huyện, thị xã đã qua 21 ngày không có bệnh nhân sởi tăng thêm 4 đơn vị, lên con số 21.

Về kết quả tiêm bổ sung miễn phí vắc xin sởi cho trẻ từ 2 đến dưới 10 tuổi, đến nay tỷ lệ tiêm toàn thành phố đạt 98% (số còn lại chủ yếu là các cháu hoãn tiêm hoặc đi vắng); trong đó 100% quận, huyện, thị xã đạt tỷ lệ tiêm 95%; đặc biệt, Phúc Thọ và Hà Đông đạt tỷ lệ tiêm cao nhất, lần lượt là 99,2% và 99,1%.

Với bệnh sốt xuất huyết, trong tuần qua có thêm 8 ca mắc, đưa tổng số mắc từ đầu năm đến nay lên con số 51, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo nhận định, dịch sẽ xuất hiện cao điểm vào tháng 8, vì vậy, người dân cần tăng cường phòng chống bệnh bằng việc nằm màn khi ngủ, diệt bọ gậy, muỗi, vệ sinh cá nhân.

Về bệnh tay chân miệng, dù từ đầu năm đến nay số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2013 nhưng tuần qua ghi nhận thêm 49 ca mắc; trong đó có 8 ca tại Phú Xuyên, 6 ca tại Thanh Oai...

Với bệnh thủy đậu, số ca mắc có xu hướng giảm trong tháng 5. Nếu như tháng 4 có 290 trường hợp mắc thì từ đầu tháng 5 đến nay có 48 trường hợp. Tính từ đầu năm đến nay toàn thành phố có 1.207 trường hợp mắc thủy đậu, tăng 36% so với cùng kỳ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng chống các bệnh mùa hè

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.