Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động phòng, chống bệnh dại trên đàn chó, mèo

Sơn Tùng| 27/05/2019 07:17

(HNM) - Theo thống kê sơ bộ, Hà Nội hiện có 490 nghìn con chó, trong đó, chó nuôi để giữ nhà, làm cảnh khoảng 87,5%; còn lại để kinh doanh... Trước thực trạng thời gian gần đây xảy ra không ít trường hợp chó tấn công người gây thương tích, vì vậy thành phố chỉ đạo các đơn vị và địa phương chủ động triển khai chương trình phòng, chống bệnh dại, tổ chức tiêm vắc xin cho đàn chó, mèo...


Tại khu vực ngoại thành, người dân có tập quán nuôi chó giữ nhà và sử dụng làm thực phẩm nên số lượng loài này chiếm tỷ lệ cao hơn so với khu vực nội thành (tại các huyện trung bình 1,6-1,7 con/hộ); còn tại các quận chủ yếu là nuôi chó làm cảnh (các quận 1,1-1,2 con/hộ).

Đến nay, nhận thức cần thiết tiêm phòng nhằm chủ động phòng chống bệnh dại cho người và vật nuôi đã có chuyển biến tích cực, nhất là ở các quận, mặc dù không được hỗ trợ vắc xin, nhưng người dân chủ động thực hiện nên tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó, mèo đạt cao (95-98%).

Tuyên truyền tiêm phòng cho đàn chó, mèo trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.


Bên cạnh đó, hằng năm, các quận, huyện chỉ đạo xã, phường tổ chức rà soát, thống kê tổng đàn chó, mèo. Nhiều nơi (chủ yếu là các quận) làm tốt việc quản lý, lập hồ sơ theo dõi đến chủ hộ chăn nuôi để thực hiện tốt việc quản lý đàn, tăng/giảm đàn trong kỳ để thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc xin bệnh dại.

Đặc biệt, một số nơi đã thành lập đội bắt chó thả rông và xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ nuôi chó, qua đó, nâng cao nhận thức cho chủ nuôi thực hiện tốt quy định của Luật Thú y.

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền và tăng cường công tác quản lý, đồng thời do điều kiện đời sống của người dân nâng cao nên việc sử dụng chó, mèo làm thực phẩm đang ngày càng giảm, nhất là khu vực nội thành. Theo báo cáo của Trạm Chăn nuôi và Thú y quận Tây Hồ, trước năm 2016 có hơn 30 cửa hàng kinh doanh thịt chó thì đến năm 2018 giảm mạnh, chỉ còn 5 quầy hàng.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện có 55 cơ sở khám, chữa bệnh, chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật, trong đó, 30 cơ sở đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y. Bên cạnh đó, trước đây, do chi phí điều trị bệnh cho chó, mèo khá cao nên tại một số vùng ngoại thành, khi chó giữ nhà, chó thương phẩm bị bệnh thường ít được điều trị...

Thực tế, việc quản lý chó, mèo chưa được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Cụ thể là chưa lập sổ theo dõi xuất/nhập chó, mèo tại các hộ chăn nuôi; chưa xử lý các vi phạm hành chính (theo quy định) việc chó thả rông làm ảnh hưởng đến môi trường, tấn công người dân nơi công cộng; còn nhiều trường hợp chó thả rông tại khu vui chơi giải trí, công viên, đường phố... Cùng với đó, nhận thức về bệnh dại của một bộ phận người dân còn hạn chế nên khi bị chó cắn không đến cơ sở y tế để điều trị dự phòng...

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, thời gian tới, nguy cơ bùng phát bệnh dại và gia tăng số người bị chó tấn công, gây thương tích có thể xảy ra; đồng thời, thời tiết khí hậu bất lợi, nhất là vào mùa nắng nóng, mầm bệnh phát sinh nhanh, nhất là ở vùng đã từng xảy ra bệnh dại, vì vậy, các đơn vị và địa phương cần thực hiện nghiêm nội dung Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên người giai đoạn 2017-2021; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại...

Đối với các quận, huyện cần tập trung chỉ đạo các xã, phường thực hiện tốt việc quản lý chó nuôi trên địa bàn, thống kê đàn chó, cập nhật thông tin và lập sổ quản lý về chó nuôi trên địa bàn; tổ chức tiêm phòng triệt để cho đàn chó, mèo trong diện phải tiêm; xử lý các hoạt động kinh doanh, buôn bán thịt chó không bảo đảm an toàn thực phẩm và những cá nhân đơn vị nuôi chó, mèo gây mất mỹ quan đô thị, đường phố.

Mặt khác, cần nâng cao nhận thức cho người dân khi nuôi chó phải khai báo với chính quyền địa phương, tiêm phòng vắc xin bệnh dại; khi mang chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm và có người dắt nhằm kiểm soát việc chó có thể tấn công con người. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các tổ chức trong nước, nước ngoài thực hiện chương trình, đề án về quản lý chó nuôi và chương trình phòng chống bệnh dại...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng, chống bệnh dại trên đàn chó, mèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.