Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng

Nguyễn Mai| 21/03/2016 06:38

(HNM) - Mùa khô năm nay thời tiết diễn biến bất thường, không khí khô hanh. Điều kiện thời tiết cùng sự bất cẩn đã khiến một số vụ cháy rừng xảy ra ở Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc.


Theo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, toàn thành phố có hơn 27.000ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 8,3% diện tích đất tự nhiên. Rừng được phân bố ở 7 huyện, thị xã gồm: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây. Rừng của Hà Nội chủ yếu là các loại rừng trồng thông, keo, bạch đàn, tre, luồng, cây bản địa nên dễ cháy. Mặt khác, trong các khu rừng của Thủ đô gắn liền có các công trình văn hóa lịch sử, với nhiều lễ hội văn hóa tâm linh, xen kẽ với các khu dân cư nên càng tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Trong 5 năm qua (2011-2015), trên địa bàn thành phố đã xảy ra 125 vụ cháy rừng gây thiệt hại 198ha rừng.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Sóc Sơn (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) bàn phương án tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Thái Hiền


Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Quang Tiến cho biết, huyện Sóc Sơn xảy ra nhiều vụ cháy rừng nhất và có nguy cơ cháy cao nhất. Nguyên do là tiểu vùng khí hậu khu vực Sóc Sơn độ ẩm không khí thấp. Rừng ở đây đều là rừng trồng, thảm thực bì phát triển mạnh. Người dân và các công trình xây dựng lại xen kẽ với rừng nên tác động của con người đến cháy rừng cao hơn. Đặc biệt, tại các xã giáp ranh với tỉnh Vĩnh Phúc do người dân sau khi khai thác gỗ thường đốt lá cây, cỏ dại tiềm ẩn nguy cơ cháy cao.

Để chủ động phòng chống cháy rừng trong mùa hanh khô, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô trao đổi thông tin, thông báo tình hình, tổ chức tập luyện, huấn luyện về PCCCR; phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng II trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng... Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã phối hợp tích cực với các địa phương tổ chức cho người dân các xã có rừng ký cam kết về quản lý bảo vệ rừng, không mang dụng cụ gây phát lửa vào rừng; có ý thức theo dõi, phát hiện, loan báo tình hình kịp thời để huy động lực lượng cứu chữa khi xảy ra cháy rừng. Các hạt kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên hướng dẫn chủ rừng thu gom vật liệu dễ cháy, phát dọn và tận thu làm củi đun; phát quang những dây leo, bụi rậm, xây dựng các đường băng trắng và đường băng xanh để ngăn cản chống cháy lan bao quanh các khu rừng dễ cháy; phối hợp chặt chẽ với cơ sở, thành lập lực lượng thường trực bảo vệ rừng tại các thôn bản, bố trí các chốt canh giữ tại các điểm cao và cửa rừng, đồng thời chuẩn bị đủ dụng cụ, phương tiện ứng cứu chữa cháy rừng tại chỗ như máy bơm nước, dao phát... phân bổ cho từng tổ dân cư quản lý. Ngoài ra, tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy đều được bố trí các họng nước sẵn sàng hoạt động khi cần thiết.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, ý thức về PCCCR trong cộng đồng dân cư, Chi cục đề nghị thành phố ưu tiên khoán quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh để nhân dân địa phương có điều kiện cải thiện đời sống; đồng thời cho phép người dân tham gia phát triển rừng sinh thái, phát triển kinh tế dưới tán rừng nhằm góp phần nâng cao đời sống người làm lâm nghiệp và phát triển rừng bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.