Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động nguồn lực cho các nhiệm vụ cấp bách

Võ Lâm| 17/02/2011 07:05

(HNM) - Lâu nay, Hà Nội thu hút được nhiều nguồn lực xã hội hóa tham gia xử lý ô nhiễm môi trường như làm sạch nước hồ, thu gom rác, vệ sinh môi trường, xây dựng nhà máy ép rác tại Sóc Sơn… Nhưng quá trình triển khai xã hội hóa vẫn còn nhiều vấn đề cần xử lý sớm.


Một góc nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Bá Hoạt


Trong cuộc giao ban với lãnh đạo các sở, ngành, địa phương ngày 14-2 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: "Rác là vấn đề nhạy cảm, xử lý rác là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Nếu không huy động được xã hội hóa, TP sẽ chi ngân sách để làm. Chúng ta không nên bị động trông chờ vào xã hội hóa trong thực hiện những nhiệm vụ cấp thiết như vậy". Quan điểm không quá trông chờ vào xã hội hóa tiếp tục được nêu rõ khi Chủ tịch UBND thành phố đề cập đến việc xây dựng bệnh viện đa khoa tầm cỡ khu vực 1.000 giường bệnh tại huyện Mê Linh. Đây sẽ là bệnh viện hiện đại ngang tầm khu vực Đông Nam Á. "Công trình có ý nghĩa xã hội lớn như vậy, chúng ta không nên trông chờ "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Ngân sách phải chủ động xây dựng xong bệnh viện trước, kêu gọi xã hội hóa có thể thực hiện sau trong các gói đầu tư trang thiết bị".

Đề cập mục tiêu từng bước chuyển đổi văn hóa tang ma từ cải táng sang hỏa táng, Chủ tịch UBND TP cho rằng, cần thiết có thể thành lập hẳn công ty mới chuyên trách. TP cũng có thể chi ngân sách để miễn phí hoàn toàn cho người dân, kể cả việc vận chuyển, nếu thực hiện hỏa táng. Nhấn mạnh quan điểm chủ động trong sử dụng ngân sách TP để giải quyết các nhiệm vụ cấp bách, đem lại lợi ích cho cộng đồng, Chủ tịch UBND TP còn yêu cầu các ngành nghiên cứu xử lý ô nhiễm sông Nhuệ - Đáy từ nguồn lực địa phương, thay vì chờ đợi ngân sách TƯ. "Ngân sách TƯ và TP cũng là một. Ô nhiễm sông Nhuệ - Đáy là do Hà Nội, nên chúng ta phải chủ động xử lý, không chờ đợi, phải tính toán để có nguồn lực thực hiện sớm".

Cần chủ động thực sự, chủ động toàn diện

Cách tiếp cận công việc mà lãnh đạo TP mong muốn lãnh đạo các cấp, ngành thực hiện không quá xa lạ. Đó chính là bao quát công việc một cách toàn diện, cái gì cấp bách, trọng tâm phải quyết tâm làm trước và làm cho bằng được. Đó cũng chính là mong muốn, kỳ vọng của người dân đối với chính quyền bấy lâu nay.

Chỉ có thể với thái độ tiếp cận công việc như thế, những công trình dân cần, cộng đồng chờ mong mới không bị bỏ bê, chậm trễ; những bức xúc dân sinh mới không kéo dài hoặc trở nên phức tạp hơn. Ví dụ như lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông. UBND TP chỉ đạo Sở GTVT phải giải quyết các nút giao ùn tắc thường xuyên bằng hệ thống giao thông như xây dựng cầu vượt, hầm chui. "Giảm ùn tắc giao thông là việc cấp bách, phải làm nhanh. Có thể làm cầu sắt, dù đắt nhưng nhanh, chúng ta phải làm"- Chủ tịch UBND TP chỉ đạo. Những dự án trên địa bàn TP, đem lại lợi ích cho người dân Thủ đô, nhưng bị chậm trễ do bộ, ngành thực hiện cũng được yêu cầu tiếp xúc để làm rõ, cần thiết chuyển về cấp TP để làm cho nhanh như dự án công viên CT1 ở đường Phạm Hùng, công viên ở quận Thanh Xuân…

Sự chủ động còn được TP nhấn mạnh khi chỉ đạo thực hiện chương trình nông thôn mới. Dựa trên các tiêu chí do Chính phủ đề ra các xã sẽ phải lập quy hoạch, xây dựng lộ trình hoàn thành các tiêu chí dựa trên nội lực của chính mình. "TP sẽ xây dựng cơ chế để chuyển toàn bộ kinh phí xây dựng hạ tầng nông thôn cho các huyện tự chịu trách nhiệm thực hiện" - Chủ tịch UBND TP nêu rõ.

Năm 2010, Hà Nội thu ngân sách 100 nghìn tỷ đồng. TP còn hội tụ rất nhiều nguồn lực về tri thức, nhân lực, là cơ sở quan trọng để các cấp chính quyền chủ động trong thực thi nhiệm vụ. Vấn đề còn lại là lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, các phường, xã, thị trấn sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm và chủ động hành động đến đâu mà thôi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động nguồn lực cho các nhiệm vụ cấp bách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.