Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động, hiện thực hóa mục tiêu phát triển văn hóa đọc

Vân Hạ| 12/07/2020 06:35

(HNMCT) - Những năm gần đây, cùng với sự đổi mới của hệ thống thư viện nhà nước, nhiều mô hình thư viện tư nhân lần lượt chào đời với các hình thức đa dạng, phong phú. Sự phát triển các không gian đọc cho thấy tinh thần chủ động của xã hội trong việc đưa sách đến gần hơn với người dân, đặc biệt là trẻ em, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển văn hóa đọc của Thủ đô và cả nước.

Những “hiệp sĩ sách”

Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 5 năm sinh nhật Không gian đọc Hy vọng, trên trang Facebook cá nhân, chàng trai trẻ Đỗ Hà Cừ bày tỏ mong muốn “mỗi tủ sách của câu lạc bộ có được một bộ truyện Harry Potter”. Ngay sau lời ngỏ ý đó, đã có những nhà hảo tâm lên tiếng ủng hộ. Đây là một trong những cách để Không gian đọc Hy vọng duy trì và phát triển hoạt động của mình.

Một không gian đọc cho trẻ em của Nhà sách Nhã Nam.

Từ một không gian đọc sơ khai, giờ đây Câu lạc bộ Không gian đọc Hy vọng đã có tới 15 tủ sách trực thuộc nằm ở nhiều địa bàn dân cư khác nhau, trong đó có 12 tủ sách do người khuyết tật quản lý. Còn Đỗ Hà Cừ, một chàng trai khuyết tật vận động bẩm sinh, giờ đây không chỉ trở thành “chủ nhân” của một không gian đọc mà anh còn kết nối, giúp đỡ nhiều người khuyết tật khác lập các tủ sách cộng đồng. Yêu sách và nhờ sách mà giờ đây chàng trai chưa từng được đi học ấy đã biết đọc, biết viết, biết sử dụng máy tính và được đi vào thế giới diệu kỳ trong sách mà ở đời thực anh không thể thực hiện được.

Hy vọng chỉ là một trong số nhiều không gian đọc được thành lập trong vài năm trở lại đây. Hiện trên cả nước, các không gian đọc phát triển hết sức đa dạng. Đó là các tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ như Tủ sách gia đình Vân Tùng (Hưng Yên); là các thư viện tư nhân như Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường, Thư viện tư nhân Dương Liễu (Hà Nội); là không gian đọc của các lão nông như ông Trương Văn Hào (Thừa Thiên Huế), Bùi Đình Thăng (Hưng Yên), của các sinh viên như Hoàng Quý Bình (Đại học Bách Khoa Hà Nội) với D Free book, Trần Mạnh Hào (Trường Cao đẳng Dược Hà Nội) với Thư Sinh Quán; là các câu lạc bộ như Đọc sách cùng con, Sách ơi mở ra; là các phòng đọc cộng đồng tại thôn xóm, khu dân cư như ở phường Láng Thượng (quận Đống Đa), phường Tương Mai (quận Hoàng Mai), phường Bưởi (quận Tây Hồ), thôn Bình Vọng (huyện Thường Tín), thôn Minh Khai (huyện Hoài Đức); đặc biệt là các không gian đọc mang những cái tên đầy lạc quan như Hy vọng, Niềm tin, Ánh sáng, Ước mơ... do người khuyết tật thành lập...

Tại nhiều nơi, thư viện tư nhân không chỉ thu hút trẻ em và người cao tuổi mà có cả sinh viên, công nhân, nông dân... tìm đến. Có thể nói, những người sáng lập các không gian này đều là các “hiệp sĩ sách”.

Trước đây, từng có không ít ý kiến e ngại rằng thư viện tư nhân khó “đứng” được theo thời gian khi phần lớn đều hoạt động theo hình thức thiện nguyện. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại bằng sự nở rộ của nhiều không gian đọc mới được thành lập. Vậy thì điều gì đã làm nên thành công này? Trước hết, đó là bởi các thư viện tư nhân đã “thỏa mãn” được “cơn khát” đọc mà vì nhiều nguyên nhân nên người dân, đặc biệt là trẻ em, trước đó chưa được tiếp cận. Hệ thống thư viện nhà nước, tuy nhiều năm nay đã có những bước tiến không ngừng nhưng khoảng cách địa lý và sự phụ thuộc vào người lớn trong việc đưa đón vẫn là những khó khăn khiến nhiều trẻ em không thể đến thư viện thường xuyên. Sự ra đời của các không gian đọc trong cộng đồng đã giúp khắc phục khó khăn đó.

Phục vụ bạn đọc miễn phí, các thư viện tìm kiếm nguồn sách qua các “Mạnh thường quân”, qua việc luân chuyển sách giữa các không gian đọc và sự hỗ trợ từ Vụ Thư viện, thư viện địa phương, các nhà xuất bản... Nhiều người thán phục trước sự sáng tạo và tinh thần thiện nguyện vì cộng đồng của các “hiệp sĩ sách”, để rồi chính họ cũng sẵn sàng “rút ví”, đồng thời kêu gọi những người khác chung tay hỗ trợ hoạt động của các thư viện tư nhân.

Bên cạnh các không gian đọc cơ sở, theo Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, còn cần phải kể đến hệ thống thư viện của các đại sứ quán, các trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam như L’Espace, Viện Goethe, Trung tâm Hoa Kỳ tại Hà Nội, Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản... Những nơi này không chỉ phục vụ đọc sách miễn phí, mà còn thường xuyên tổ chức nhiều sự kiện hay, trong đó có các hoạt động về sách và văn hóa đọc.

Nhiều tấm lòng,nhiều cách thức

Dường như chưa bao giờ người Việt Nam có thể tiếp cận với sách dễ dàng như hiện nay khi nhận thức của cộng đồng về giá trị của sách đang ngày một thay đổi. Giờ đây, dẫu không có tiền mua sách, người dân có nhiều cách để đọc khi các tủ sách cộng đồng, các không gian đọc và mạng lưới thư viện có ở khắp nơi. Rất nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã cùng đồng hành với các cơ quan quản lý để văn hóa đọc được “cất cánh” thông qua các hoạt động, chương trình như Đổi sách lấy cây, Ngày hội đổi sách Trao và Nhận, Bán trái cây - xây tủ sách, tài trợ xe ô tô thư viện lưu động, và đặc biệt là phát triển các mô hình không gian đọc.

Tại các thành phố lớn, bên cạnh các thư viện tư nhân, nhiều nhà sách cũng phát triển hệ thống không gian đọc của riêng mình như Nhà sách Thái Hà, Hiệu sách Đinh Tị, Nhà sách Cá Chép của Đông A, Hiệu sách Nhã Nam, trung tâm sách của NXB Kim Đồng... Nhiều không gian đọc trở thành “điểm hẹn” của độc giả, đặc biệt là thiếu nhi khi các em được thoải mái lựa chọn sách và có những khu vực đọc rộng rãi, thoáng mát. Em Trần Thảo Nguyên, học sinh Trường THCS Việt Nam - Angieri cho biết: “Từ ngày Hiệu sách Nhã Nam mở cửa gần trường, chúng em thường xuyên vào đây trong khi chờ bố mẹ đến đón bởi có thể đọc sách không mất tiền, không gian sạch sẽ, mát mẻ và an toàn”.

Bắt kịp với xu thế tạo không gian đọc, các thư viện nhà nước cũng đã đổi mới không ngừng. Phòng đọc thiếu nhi của Thư viện Quốc gia, Thư viện Hà Nội... được thiết kế đẹp mắt, giúp trẻ thoải mái đọc sách như ở nhà. Tại Thư viện Quốc gia, những năm gần đây, vào các dịp cuối tuần hay kỳ nghỉ hè, có thể bắt gặp nhiều em mang theo cặp lồng cơm tới thư viện để “chơi” với sách cả ngày.

Nghiên cứu về xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ, phần lớn các ý kiến đều cho rằng, một không gian đọc công cộng là điều khá cần thiết. Nhưng nếu chưa thể sắp xếp đến với các không gian đọc thì chỉ một cuốn sách cũng có thể mở ra cả một thế giới với đứa trẻ.

Có thể nói, tất cả những  mô hình, những nỗ lực tạo dựng không gian đọc kể trên đều không nằm ngoài mục tiêu mang lại cho trẻ cơ hội học tập, giải trí lành mạnh, cơ hội trưởng thành trong sự phong phú về tri thức và tâm hồn. Đó cũng là đích đến của các chương trình phát triển văn hóa đọc như Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định phê duyệt ngày 15-3-2017); Kế hoạch phát triển văn hóa đọc thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ban hành ngày 24-3-2020).

Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Khúc Thị Hoa Phượng: Trong bối cảnh ti vi, smartphone đang “làm mưa làm gió”, nếu không có sự hướng dẫn, khuyến khích từ người lớn thì những cuốn sách có thể nằm im trên kệ, trở thành “sách chết”. Vì vậy, cuốn sách luôn cần được để trong tầm nhìn và tầm với của trẻ để có thể gợi tò mò, gây hứng thú cho trẻ. Chỉ cần trẻ thử cầm sách và xem lướt vài trang là việc “mồi đọc” đã thành công. Trân trọng việc đọc cho trẻ cũng chính là tạo một không gian đọc để qua đó, trẻ được khám phá bí mật cao đẹp mà sách mang lại...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động, hiện thực hóa mục tiêu phát triển văn hóa đọc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.