Công an các đơn vị, địa phương đang đồng loạt triển khai cao điểm các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp mạnh các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó riêng dịp Tết Nguyên đán đã điều tra làm rõ 100% vụ án nghiêm trọng, khởi tố 507 vụ, 820 bị can, bắt 358 vụ, 1.252 đối tượng đánh bạc… Lực lượng công an các địa phương đã xử lý không có vùng cấm, không có ngoại lệ đối với vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ…
Những thông tin trên được lãnh đạo Bộ Công an nêu tại Hội nghị giao ban trực tuyến đầu xuân Giáp Thìn cho thấy, công tác bảo đảm an ninh trật tự trong dịp Tết vừa qua được thực hiện nghiêm túc, đạt nhiều kết quả, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Ngay sau Tết, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TƯ ngày 23-11-2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024; đồng thời, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy các cấp trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng ký ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó đều ghi nhận, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững góp phần để nhân dân đón Tết trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Tuy nhiên, trong thời gian Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tình hình vi phạm an toàn giao thông vẫn diễn ra phức tạp; vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự tại một số địa bàn...
Điều này đòi hỏi lực lượng công an cũng như cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị cần chủ động triển khai các giải pháp, phương án, kế hoạch nhằm bảo đảm an ninh trật tự ngay từ cơ sở, để không bị động, bất ngờ trước mọi tình huống gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội có thể xảy ra trên địa bàn.
Về nhiệm vụ thời gian tới liên quan đến lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các cấp, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các loại tội phạm có xu hướng lợi dụng lễ hội gia tăng hoạt động trong dịp đầu xuân, như tội phạm liên quan đến "tín dụng đen", cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, chống người thi hành công vụ, tội phạm xâm phạm sở hữu...
Lực lượng Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo và các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm. Cùng với đó là làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, trọng tâm là bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phối hợp chặt chẽ với ngành Giao thông vận tải có phương án phân luồng, điều tiết, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, các tuyến giao thông trọng điểm; xử lý nghiêm các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, nhất là vi phạm về nồng độ cồn. Đồng thời chủ động triển khai các phương án phòng chống cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ tại các địa điểm tổ chức các lễ hội, nơi tập trung đông người...
Ở bất cứ thời điểm nào, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng công an có vai trò nòng cốt, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội sẽ tiếp tục được duy trì, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cao nhất là giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm người dân được an toàn, bình yên, hạnh phúc và tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.