(HNM) - Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) và sở, ngành trên địa bàn Hà Nội đã chủ động đưa hàng Việt đến người tiêu dùng (NTD). Việc chú trọng đẩy mạnh quảng bá để kích thích tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt; đưa hàng Việt đến với người dân ở vùng xa trung tâm, khu công nghiệp (KCN)… đã đem lại những kết quả đáng khích lệ.
Chọn mua sản phẩm “nội” tại điểm bán hàng lưu động ở huyện Thạch Thất. Ảnh: Minh Hương |
Từ đầu năm đến nay, Sở Công thương đã tổ chức nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, phối hợp với các DN triển khai bình ổn giá tại 688 địa điểm trên địa bàn TP (gấp đôi so với năm 2010), trong đó có 50% số điểm bán hàng ở khu vực ngoại thành (tăng gấp 4 lần so với năm 2010). Các DN đã chấp hành nghiêm những quy định về số lượng, chất lượng, giá cả; chủ động mở rộng mạng lưới bán hàng bình ổn, nhất là ở khu vực ngoại thành, KCN; đưa hàng bình ổn vào các bếp ăn tập thể… góp phần bình ổn giá thị trường trong những tháng đầu năm 2012. Sở đã triển khai 9 trung tâm thương mại (TTTM) bán hàng lưu động tại các quận, huyện, như Gia Lâm, Sóc Sơn, Thanh Trì, Ba Vì, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Hoàng Mai, Thạch Thất và Ứng Hòa. Sở Công thương cũng chỉ đạo Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Công ty CP Sản xuất và thương mại An Việt thực hiện 6 phiên chợ tại các huyện Từ Liêm, Quốc Oai, Hoài Đức, Thường Tín, Đông Anh, Gia Lâm; 6 điểm bán hàng lưu động, trong đó 2 chuyến bán hàng lưu động tại KCN Thăng Long - Đông Anh, 1 chuyến tại KCN Quang Minh và 3 chuyến tại các quận, huyện khác; 28 chuyến bán hàng lưu động tại một số quận, huyện, khu nhà ở công nhân và các KCN trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sở cũng triển khai chương trình xúc tiến thương mại năm 2012 theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bảo đảm đa dạng về ngành hàng, dịch vụ sản phẩm có lợi thế của Thủ đô, đẩy mạnh cả yếu tố nội địa và đưa hàng Việt ra nước ngoài, chú trọng liên kết công thương với 7 tỉnh phía Bắc.
Theo Ban Chỉ đạo cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội, công tác tuyên truyền thực hiện CVĐ đã nhận được sự vào cuộc của các cấp, ngành ngay từ đầu năm, với nhiều nội dung phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng; báo chí trung ương và Hà Nội, Cổng thông tin điện tử TP… Các ban, ngành thành viên tiếp tục tuyên truyền về 4 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện CVĐ theo nội dung thông báo Kết luận số 264 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Ban Chỉ đạo CVĐ ở 29 quận, huyện tích cực tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm của mỗi người dân đối với sự phát triển kinh tế của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung qua việc lựa chọn sử dụng hàng "nội".
Kết quả khảo sát thái độ của người dân với hàng Việt mới đây cho thấy, có gần 40% NTD có chuyển biến tích cực đối với hàng "nội"; hơn 83% NTD Thủ đô đã có những thay đổi nhận thức về tiêu dùng theo hướng khả quan. Đáng chú ý, có gần 75% NTD đã thay đổi thói quen, lựa chọn sử dụng hàng sản xuất trong nước. Không ít DN "nội" đã quảng bá được sản phẩm đến với NTD. Nhiều sáng kiến, cải tiến công nghệ, sắp xếp tổ chức đã góp phần tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tạo thuận lợi cho sản phẩm chiếm lĩnh thị trường. Nhiều công ty đã tạo nên sự thành công, như các Công ty TNHH MTV Hanel, Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại sản phẩm Ladoda, Công ty CP Thương mại - Đầu tư Long Biên… không chỉ đưa hàng Việt đến NTD trong nước mà còn mở ra hướng phát triển "Người nước ngoài ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo CVĐ của TP tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các chuyến đưa hàng Việt đến với NTD, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Sở Công thương sẽ phối hợp với các DN, địa phương để tổ chức các trung tâm bán hàng lưu động trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chương trình "Hành động vì quyền lợi NTD" năm 2012 nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức về quyền lợi NTD và Luật Bảo vệ NTD; xây dựng văn hóa NTD, ý thức chủ động bảo vệ bản thân; thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn TP; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại chợ, TTTM, siêu thị, các cửa hàng kinh doanh rau, thực phẩm an toàn, kho hàng, tuyến phố thương mại theo hướng văn minh, hiện đại; phát triển thị trường nông thôn, đồng thời bảo đảm cân đối cung - cầu và bình ổn giá đối với một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.