(HNM) - Chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng sẽ tạo nhiều cơ hội cho Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng đặt ra khó khăn, thách thức cho công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội nói chung, có yếu tố nước ngoài nói riêng.
Cùng với hợp tác phát triển kinh tế, Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực tư pháp, an ninh, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bộ CA đã tăng cường hợp tác song phương, đa phương với CA, cảnh sát các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức phòng chống tội phạm quốc tế. Gần đây nhất, ngày 24-5, Việt Nam đã tham dự và có nhiều đóng góp cho Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 16 (SOMTC 16), diễn ra tại Indonesia. Sự hợp tác đó góp phần không nhỏ trong đấu tranh với tội phạm ma túy, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, tội phạm bị truy nã. Nhiều vụ án phức tạp đã được triệt phá thành công nhờ sự hợp tác của CA Việt Nam và cơ quan điều tra nước bạn.
Tuy nhiên, diễn biến tội phạm và tệ nạn có yếu tố nước ngoài vẫn hết sức phức tạp, nhất là khi số người nước ngoài vào Việt Nam sinh sống ngày càng nhiều. Những khu "phố tây" một mặt cho thấy sự hội nhập tích cực, mặt khác là nơi tiềm ẩn yếu tố phức tạp về trật tự xã hội. Và thực tế thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ án có yếu tố nước ngoài, gây hậu quả xấu như những vụ người nước ngoài lừa đảo qua internet, điện thoại... Mới đây nhất, ngày 22-4, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử 2 bị cáo về tội "sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số chiếm đoạt tài sản". Hai bị cáo này đã câu kết với tội phạm nước ngoài lừa đảo các nạn nhân trong nước bằng cách gọi điện thoại đe dọa, chiếm tiền qua tài khoản ngân hàng…
Ngoài loại tội phạm có tổ chức, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến người nước ngoài cũng tiềm ẩn phức tạp, khó phòng ngừa. Ngày 14-4, Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án "hủy hoại tài sản" đối với Michael Hofmeister (SN 1985, quốc tịch CHLB Đức). CA xác định người đàn ông này đã có hành vi gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản vào rạng sáng 7-4 tại địa bàn phường Bồ Đề (quận Long Biên). Ở xu hướng ngược lại, người nước ngoài cũng có thể trở thành nạn nhân bị tội phạm xâm hại hoặc tham gia vào hoạt động tệ nạn…
Thực trạng đó đòi hỏi công tác phòng ngừa, đấu tranh của cơ quan CA phải có những biện pháp mới. Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hà Nội cho biết, hiện nay, đơn vị đã và đang khảo sát, xây dựng phương án phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm có yếu tố nước ngoài. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng cảnh sát hình sự năm nay và những năm tiếp theo. Nhưng, qua quá trình thụ lý, điều tra các vụ án có yếu tố nước ngoài, lực lượng chức năng đã gặp nhiều khó khăn như bất đồng ngôn ngữ, tội phạm nước ngoài cấu kết với tội phạm trong nước mà không nhập cảnh. Vì vậy, đối với tội phạm này, nhiệm vụ phòng ngừa vẫn là yếu tố quan trọng, quyết định. Bộ CA đã chỉ đạo CA các địa phương tăng cường quản lý nhà nước về trật tự xã hội, chú trọng rà soát, kiểm tra các địa bàn có đông người nước ngoài lưu trú, các điểm dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự thu hút du khách nước ngoài. Đặc biệt, cơ quan CA sẽ tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về phòng ngừa tội phạm nói chung, tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến người nước ngoài nói riêng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.