LTS: Cách đây 50 năm, Đảng ta đã có quyết định chiến lược đúng đắn, sáng tạo - mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, giáng đòn chiến lược quyết định tạo bước ngoặt trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tình hình và chiều hướng chiến tranh, Hội nghị Bộ Chính trị (12-1967) và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (1-1968) hạ quyết tâm động viên quân và dân ta nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nhằm giáng cho địch một đòn thật mạnh và hiểm, bất ngờ và đồng loạt, làm cho Mỹ phải lung lay ý chí xâm lược, tạo nên sự thay đổi cơ bản cục diện chiến tranh có lợi cho ta.
Từ tình hình thực tế...
Đến cuối năm 1967, cục diện chiến trường có những chuyển biến quan trọng. Tại miền Nam, dù nắm trong tay trên 1 triệu quân, song Mỹ và chính quyền Sài Gòn bất lực trước quân giải phóng, không “chụp bắt” được cơ quan chỉ đạo kháng chiến, không thực hiện được chương trình bình định đề ra. Cho đến lúc này, chiến tranh Việt Nam trở thành một gánh nặng, tác động mạnh đến kinh tế, chính trị nước Mỹ.
Chi phí chiến tranh không ngừng tăng lên dẫn đến thâm hụt ngân sách đạt mức cao kỷ lục (25 tỉ đô la trong năm tài khóa 1967-1968), chương trình cải cách kinh tế - xã hội không hiệu quả. Phong trào phản đối chiến tranh trong các tầng lớp nhân dân Mỹ dâng cao. Ngay trong nội bộ chính quyền Tổng thống Lyndon B. Johnson cũng bị chia rẽ. Trên thực tế, Mỹ rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” về chiến lược.
Trước tình hình đó, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam nhận định: Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam đã lên đến đỉnh cao. Một thất bại mang tính quyết định ở chiến trường sẽ buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược, xuống thang chiến tranh. Từ nhận định quan trọng này, Trung ương Đảng tổ chức nhiều cuộc họp bàn nhằm đánh giá toàn diện về khả năng chớp thời cơ của cách mạng miền Nam. Dù còn nhiều khó khăn (nhất là trong công tác bảo đảm hậu cần, tổ chức đánh tiêu diệt lớn, tác chiến trong các đô thị, so sánh lực lượng ta còn thấp nhiều so với địch,...), song về cơ bản cách mạng đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi: Lực lượng vũ trang miền Nam phát triển (gần 300.000 bộ đội chủ lực và địa phương); vùng giải phóng vững chắc; phong trào đấu tranh chính trị (nhất là ở đô thị) chuyển biến tích cực cả về hình thức lẫn nội dung...
Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tình hình và chiều hướng chiến tranh, Hội nghị Bộ Chính trị (12-1967) và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (1-1968) hạ quyết tâm động viên quân và dân ta nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nhằm giáng cho địch một đòn thật mạnh và hiểm, bất ngờ và đồng loạt, làm cho Mỹ phải lung lay ý chí xâm lược, tạo nên sự thay đổi cơ bản cục diện chiến tranh có lợi cho ta.
Đến đòn giáng chiến lược
Theo kế hoạch tác chiến chiến lược được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương thông qua (12-1967), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 diễn ra trên khắp chiến trường miền Nam, bao gồm hai đòn chính nhằm vào hai hướng chiến lược khác nhau:
Đòn tiến công tập trung của bộ đội chủ lực tại vùng rừng núi, trọng điểm là Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh (Bắc Quảng Trị) nhằm kéo đại bộ phận lực lượng cơ động đối phương ra vòng ngoài, vừa thực hiện nghi binh, vừa đánh tiêu hao, tiêu diệt lớn, làm phá sản chiến lược quân sự “tìm và diệt” của Mỹ.
Đòn tiến công tổng hợp (kết hợp chặt chẽ quân sự, chính trị, binh vận) nhằm vào các đô thị, nơi có cơ quan đầu não, hậu cứ an toàn của địch để giành thắng lợi quyết định, buộc chính phủ Mỹ phải đàm phán chấm dứt chiến tranh.
Để bảo đảm hiệp đồng chặt chẽ, Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh phải nổ súng trước Tết Nguyên đán (Âm lịch) từ 10 đến 15 ngày, tạo điều kiện cho đòn tiến công đồng loạt vào các đô thị trên toàn miền sẽ diễn ra đúng vào dịp Tết.
Đêm 20, rạng 21-1-1968, các sư đoàn chủ lực Quân giải phóng (304, 320, 324, 325) được tăng cường nhiều đơn vị binh chủng kỹ thuật mới (xe tăng, pháo nòng dài) mở cuộc tiến công toàn diện vào hệ thống phòng thủ của địch trên Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, đẩy quân viễn chinh Mỹ và quân đội Sài Gòn rơi sâu vào tình thế khó khăn nghiêm trọng. Tại căn cứ chính Khe Sanh (thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt. Gần 10.000 lính Mỹ bị bộ đội ta bao vây, tâm trạng hoang mang, dao động. Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ ở miền Nam (MACV) tập trung lực lượng, phương tiện (kể cả máy bay B-52) đối phó. Đích thân Tổng thống Lyndon B. Johnson cho lập sa bàn ngay tại Nhà Trắng để theo dõi chiến sự, đồng thời yêu cầu Hội đồng tham mưu trưởng liên quân phải “ký cam kết” không được để mất căn cứ chính Khe Sanh, vì lo sợ một thảm họa như quân Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954. MACV còn lên phương án sử dụng vũ khí nguyên tử để giải vây trong trường hợp khẩn thiết.
Khi mọi sự chú ý và hành động đối phó của phía Mỹ đổ dồn vào Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, thì vào dịp Tết Mậu Thân (30 và 31-1-1968), quân dân ta bất ngờ mở cuộc tiến công và nổi dậy trên toàn miền, đồng loạt đánh vào 4 thành phố (là Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ), 37 thị xã, hàng trăm thị trấn; đánh vào hầu hết cơ quan đầu não trung ương và địa phương của địch, bao gồm cả 4 bộ tư lệnh quân khu - quân đoàn, 8 bộ tư lệnh sư đoàn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến, các sân bay, tổng kho... Nhiều trận đánh gây chấn động rất lớn như đánh vào Tòa đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Đài Phát thanh Sài Gòn, làm chủ TP Huế 25 ngày đêm...
Chớp thời cơ thuận lợi, nhân dân ở khắp vùng nông thôn, có lực lượng vũ trang giải phóng hỗ trợ đã nổi dậy phá tan từng mảng kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ. Trong thời gian ngắn, quân và dân toàn miền Nam đã tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn quân địch, trong đó có gần 4 vạn quân Mỹ, phá hủy trên 1 triệu tấn vật chất; phá trên 600 ấp chiến lược, giải phóng 1,3 triệu dân... Đây là cuộc động binh và huy động lực lượng có tầm vóc, quy mô và khí thế cao chưa từng có trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ (tính đến thời điểm năm 1968).
Cuộc tiến công và nổi dậy “long trời, lở đất” của quân và dân ta đã làm cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn “sững sờ, choáng váng”, đánh dấu sự thất bại toàn diện, nặng nề nhất về công tác tình báo; đồng thời “lật tẩy” những tuyên truyền lừa dối của chính quyền đối với người dân về “thắng lợi” trên chiến trường trước đây. Phong trào phản đối chiến tranh trong các tầng lớp nhân dân Mỹ dâng cao mạnh mẽ, càng khiến tình hình chính trị đất nước bị chia rẽ trầm trọng. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Lyndon B. Johnson buộc phải tuyên bố: Ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra; sẵn sàng cử đại diện đi vào đàm phán về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.