Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống thói lạc quan tếu, chủ quan

Đức Tâm| 30/05/2022 06:49

(HNM) - Những năm gần đây trong xã hội xuất hiện hiện tượng lạc quan tếu, là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới bệnh chủ quan, từ đó gây ra hậu quả ở các mức độ khác nhau. Điều nguy hại hơn cả là hiện tượng này tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, gây nhiều hệ lụy, khiến xã hội bức xúc, mất niềm tin.

“Lạc quan tếu” là hiện tượng đặt niềm tin thái quá vào những điều không có cơ sở vững chắc; trong khi “chủ quan” là hiện tượng áp đặt ý chí cá nhân thiếu căn cứ vào việc đánh giá vấn đề, thực hiện hoạt động, nhiệm vụ nào đó. Đặc điểm nổi bật của hiện tượng lạc quan tếu và chủ quan trong cán bộ, đảng viên rất khó định tính, định lượng cụ thể và càng khó “chỉ mặt đặt tên”. Một trong những biểu hiện dễ nhìn thấy nhất của hiện tượng lạc quan tếu là ở việc xây dựng các dự án, đề án không có tính thực tiễn, thiếu hiệu quả khi đưa vào khai thác, sử dụng.

Không khó để thấy, các dự án “treo”, dự án “chết yểu” xuất hiện gần đây có một số đặc điểm rất chung. Đó là những đơn vị xây dựng đề án, dự án thường “vẽ” ra các số liệu thiếu chính xác, không có cơ sở khoa học về một vấn đề nào đó rồi “khoác” lên dự án đó “chiếc áo lộng lẫy” về lợi ích cùng những viễn cảnh đẹp như trong mơ. Nhiều dự án hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội mang tính đột phá với những lợi ích thiết thực cho địa phương, vùng, miền. Chẳng hạn như dự án trồng cây mắc ca, cao su tại khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, khoảng chục năm trước đây được vẽ ra là “cây tỷ đô”, nhưng đến nay lại đang trong tình trạng chết yểu… Đáng lo là hiện tượng này khá phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước...

Tìm hiểu trong lĩnh vực đầu tư kinh tế ở nước ta thì thấy tình trạng lạc quan tếu và chủ quan bắt nguồn từ việc tính toán theo kiểu “đếm cua trong lỗ”, gây ra lãng phí rất lớn cho xã hội.

Cùng với sự quản lý yếu kém, đây chính là “cơ hội”, là nguyên nhân của các hiện tượng lãng phí, tiêu cực. Gần đây, khi giải trình trước Quốc hội về nguyên nhân chậm tiến độ, chất lượng công trình giao thông không bảo đảm, gây thất thoát, lãng phí, có lãnh đạo ngành Giao thông đã cho rằng, nguyên nhân yếu kém là do chúng ta chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về xây dựng hạ tầng. Ấy thế nhưng, trước khi bắt tay xây dựng công trình, chính cơ quan này đã đưa ra các thông tin cực kỳ lạc quan cho cơ quan truyền thông, qua đó định hướng nhân dân tin tưởng vào dự án, đề án...

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân về tinh thần lạc quan cách mạng. Cách đây gần 80 năm, cho dù bị giam giữ trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, nhưng Người vẫn tin tưởng cách mạng Việt Nam sẽ thắng lợi. Và điều đó đã trở thành sự thật khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Bởi, niềm tin đó được xây dựng trên những căn cứ xác đáng và những nỗ lực quên mình để thực hiện mục tiêu. Điều này cho thấy, từ tin tưởng vào tiền đồ cách mạng đến kết quả công việc cụ thể cần phải có thời gian, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo và phải được tổ chức thực hiện với tinh thần, quyết tâm rất cao, huy động được trí tuệ, sức mạnh đoàn kết.

Trong Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, khuyết điểm là do một số cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng là gốc dẫn đến chủ quan, duy ý chí...

Để ngăn ngừa hiện tượng lạc quan tếu và bệnh chủ quan, một trong những yêu cầu hàng đầu là chúng ta phải có được đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, người đứng đầu hội tụ phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý và trí tuệ trong chuyên môn. Họ phải là người có những ý tưởng và cao hơn là cái tâm trong sáng hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân để thực hiện những ý tưởng đó tới nơi tới chốn, mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong công việc, họ cần là những “thanh bảo kiếm”, kịp thời phát hiện ra tiêu cực, không ngại đấu tranh với tiêu cực, làm trong sạch nội bộ, để hình thành những ê kíp hết lòng, hết sức phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Để làm được điều đó thì giải pháp hiệu quả nhất vẫn là phải tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn, loại bỏ những cán bộ làm việc không bằng tâm mà bằng thủ đoạn hòng trực lợi. Cần phải cho ra khỏi Đảng, cho ra khỏi tổ chức những cán bộ lợi dụng vị trí, nhiệm vụ và công việc để “vẽ” ra các dự án, đề án với những cơ sở thiếu tính khoa học, nặng về ý chí chủ quan cốt để có cơ hội “chấm mút”. Song hành với đó là vinh danh kịp thời, đúng đối tượng những cán bộ, đảng viên có tư duy sáng tạo, vượt qua khó khăn; bảo vệ người dám đột phá thử nghiệm cơ chế mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chúng ta tin tưởng vào tiền đồ tươi sáng của cách mạng dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam bằng niềm tin lý tưởng và khoa học. Nhưng niềm tin và sự lạc quan ấy sẽ bị ảnh hưởng nếu các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thông qua những đề án, dự án bị tính toán sai, thiếu luận cứ khoa học rồi chết yểu. Đó là nguyên nhân khiến niềm tin của nhân dân bị bào mòn. Đây chính là điểm yếu để các thế lực thù địch trong và ngoài nước khoét sâu mâu thuẫn dẫn đến nhiều cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Thế nên, cần tích cực đấu tranh, loại bỏ thói lạc quan tếu và chủ quan trong lãnh đạo, quản lý và điều hành của cán bộ, đảng viên. Đây là vấn đề nóng bỏng, cần phải sớm được ngăn chặn và xử lý quyết liệt hơn nữa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chống thói lạc quan tếu, chủ quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.