(HNM) - Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao, cũng là lúc đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu hoạt động mạnh. Các mặt hàng buôn lậu, làm giả chủ yếu là thực phẩm, thuốc lá, quần áo, giày dép, mỹ phẩm…
Thực tế, việc chống hàng giả, hàng lậu luôn được các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố Hà Nội tích cực, chủ động triển khai, đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh, song các đối tượng buôn lậu, làm hàng giả cũng có những phương thức đối phó, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Đặc biệt, trong những năm gần đây, khi thương mại điện tử phát triển mạnh, hàng giả, hàng lậu cũng lợi dụng để trà trộn. Môi trường thương mại điện tử không cần tiếp xúc trực tiếp, không cần địa điểm kinh doanh cố định, giao dịch thông qua tài khoản, việc vận chuyển hàng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh… là điều kiện để đối tượng buôn bán hàng giả, hàng lậu dễ dàng trốn tránh lực lượng chức năng. Và muốn điều tra, triệt phá, lực lượng chức năng phải mất khá nhiều thời gian, công sức.
Ngoài ra, Hà Nội còn là đầu mối giao thông, giao thương, vì thế hàng lậu, hàng giả thường được vận chuyển về Hà Nội tập kết, sau đó được tiêu thụ trên địa bàn hoặc tiếp tục trung chuyển đến các địa phương khác. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, riêng tháng 10-2022, các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã kiểm tra 3.616 trường hợp, xử lý 3.376 vụ vi phạm, khởi tố 17 vụ với 24 đối tượng. Trong đó, buôn bán hàng cấm, hàng lậu 506 vụ, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 137 vụ, gian lận thương mại 2.733 vụ.
Để ngăn chặn nạn hàng lậu, hàng giả dịp cuối năm, rõ ràng các lực lượng chức năng sẽ phải nỗ lực hơn, chủ động phối hợp, đấu tranh quyết liệt hơn.
Trước hết, công tác kiểm tra, kiểm soát hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao dịp cuối năm, dịp Tết, như: Thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo, đồ gia dụng, rượu, bia, nước giải khát…; những mặt hàng cấm, ảnh hưởng tới sức khỏe, như pháo nổ, thuốc lá, đồ chơi bạo lực… Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng cần tập trung kiểm soát các điểm tập kết, kho hàng, các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung, phía Nam về Hà Nội tiêu thụ và ngược lại; kiểm tra hoạt động vận chuyển, giao nhận hàng hóa chuyển phát nhanh và tăng cường chống buôn lậu qua cảng hàng không quốc tế. Đặc biệt, thông qua nắm bắt tình hình, các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, xây dựng kế hoạch điều tra, đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, làm hàng giả có tổ chức, xử lý nghiêm đối tượng chủ mưu, cầm đầu; kịp thời truy tố, xét xử các vụ án lớn.
Ngoài lực lượng chức năng thành phố, các quận, huyện, thị xã tăng cường điều tra cơ bản, nắm địa bàn, lên kế hoạch kiểm tra, kiểm soát các nhóm, ngành hàng thiết yếu, các chợ đầu mối trên địa bàn. Thông qua đó, xác định rõ các trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả và tổ chức đấu tranh, ngăn chặn, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, hàng giả.
Mặt khác, việc tuyên truyền pháp luật về chống buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng cấm, vi phạm an toàn thực phẩm cần tăng cường dưới nhiều hình thức, để mỗi người dân đều hiểu, cùng tham gia ngăn chặn hàng lậu, hàng giả bằng cách không mua bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ; để mỗi doanh nghiệp hiểu chủ động phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn hàng giả là cách bảo vệ thương hiệu hiệu quả nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.