(HNM) - Trong quá trình phát triển các thương hiệu, ngành Dệt may (DM) Việt Nam đã, đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó phải kể đến vấn nạn hàng giả, hàng nhái...
Thời gian qua, với định hướng phát triển thị trường nội địa theo phương thức OBM (từ sản xuất đến phân phối) nhằm cung cấp sản phẩm may mặc chất lượng cao với giá phải chăng cho người tiêu dùng (NTD) trong nước, các DN DM đã chủ động cập nhật những công nghệ tiên tiến, nâng cao tay nghề và trau dồi ý thức cho người lao động, để từ đó đưa ra những sản phẩm tốt, chất lượng cao, mẫu mã phong phú. Nhiều thương hiệu đã trở nên quen thuộc như Viettien, Sansciaro, Manhattan của Việt Tiến; M10 Series, Eternity Grusz của May 10; S.Pearl, Heradg của Đức Giang; khăn Mollis của Phong Phú… Tuy nhiên, lợi dụng sức lan tỏa mạnh của các thương hiệu Việt trên thị trường nội địa, nhiều cửa hàng bày bán quần áo may sẵn không phải cửa hàng, đại lý chính hãng của các công ty đã lợi dụng thương hiệu, hoạt động kinh doanh không lành mạnh bằng cách bán các sản phẩm là hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng dưới hình thức treo biển quảng cáo mập mờ gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là hàng chính hãng. Ảnh: Giang Sơn |
Theo Tập đoàn DM Việt Nam, rất khó để NTD tự phân biệt được hàng chính hãng mà cần phải có sự vào cuộc từ nhiều phía, trong đó trách nhiệm trước hết phải xuất phát từ chính DN. Để ứng phó với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, thời gian qua, Tập đoàn DM Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển, đăng ký bảo vệ thương hiệu, để khi xảy ra vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, DN có đủ cơ sở pháp lý để bảo hộ quyền của mình. Coi trọng hệ thống phân phối, chuyên biệt hóa hệ thống phân phối theo thương hiệu cũng là giải pháp được các DN DM quan tâm, chẳng hạn như Tổng công ty May 10 hiện đã có hơn 1.500 cửa hàng riêng trên cả nước. Đây là một trong những biện pháp hiệu quả chống hàng giả trà trộn làm ảnh hưởng đến thương hiệu của các DN.
Tập đoàn còn tổ chức nhiều triển lãm, hội chợ nhằm kết nối NTD với các thương hiệu trong nước, đưa thương hiệu Việt đến gần hơn với khách hàng; tổ chức, tài trợ các tuần lễ thời trang, chương trình thiết kế nhằm khuyến khích các nhà thiết kế trên cả nước đem đến cho NTD những mẫu thời trang mới, chất lượng tốt, tính ứng dụng cao… góp phần nâng cao sức cạnh tranh hàng DM Việt Nam trên thị trường. Nhiều DN đã đầu tư lắp đặt công nghệ hiện đại để tạo ra những sản phẩm có sự khác biệt, chất lượng vượt trội, với những đặc điểm nhận dạng riêng trên sản phẩm để khách hàng dễ nhận biết khi mua hàng, như dán tem chống hàng giả vào thẻ bài, sợi chống hàng giả vào nhãn dệt chính của sản phẩm; phổ biến tới NTD cách nhận biết sản phẩm, cũng như danh sách các cửa hàng, đại lý chính hãng. Đây là một trong những biện pháp hiệu quả để bảo vệ quyền lợi của NTD và gìn giữ thương hiệu của DN. Thêm vào đó, nhiều DN còn chủ động thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các cửa hàng, đại lý cũng như phối hợp với lực lượng chức năng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ trong hệ thống tiêu thụ.
Bên cạnh đó, ở nông thôn hiện nay mặt hàng DM chiếm tới 70% là hàng nhập lậu, giá rẻ, còn sản phẩm do DN Việt sản xuất chỉ có chỗ đứng ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Hơn nữa, ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành DM trong nước chưa phát triển, đa số nhập khẩu từ nước ngoài, phải đóng thuế nhập khẩu khiến giá thành cao, nên sản phẩm DM "nội" chưa đủ sức cạnh tranh với hàng nhập lậu giá rẻ và bị "đánh" bật khỏi thị trường nông thôn tiềm năng.
Vì vậy, các DN DM kiến nghị các cấp có thẩm quyền tăng cường kiểm tra hơn nữa, đồng thời phản ứng nhanh khi tiếp nhận đơn yêu cầu xử lý vi phạm của DN và áp dụng những khung hình phạt đủ sức răn đe với các trường hợp làm giả, làm nhái, vi phạm bản quyền các thương hiệu đã được bảo hộ; ngăn chặn từ biên giới với hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Ngoài ra, cần giảm thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu cho ngành DM, cũng như cho phép ghi nhận chi phí bảo vệ thương hiệu trong giá thành sản phẩm để các thương hiệu trong nước có đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu may mặc nước ngoài đang ngày càng phát triển nhanh tại Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.