(HNM) - Dù công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang bước vào giai đoạn nước rút nhưng công cuộc phòng, chống tham nhũng - chống “giặc nội xâm” vẫn được Đảng ta triển khai quyết liệt, đúng chủ trương "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào".
Khẳng định như vậy là bởi những ngày cuối năm 2020, nhiều cán bộ đã bị khởi tố hoặc phải nhận tội trước tòa vì gây thiệt hại cho Nhà nước nghiêm trọng về kinh tế, làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng. Mới nhất là chiều 16-12-2020, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can với ông Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh) để điều tra tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Trước đó, năm 2018, nhân vật này đã bị Ban Chấp hành Trung ương kỷ luật với hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XII), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2015-2020, do các sai phạm trong lãnh đạo, quản lý.
Có 2 điểm đáng chú ý liên quan đến vụ việc của ông Tất Thành Cang. Thứ nhất, chính địa phương nơi ông Tất Thành Cang công tác - cụ thể là Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đã chủ động vào cuộc, từ đó kiểm tra, phát hiện các dấu hiệu vi phạm. Thứ hai, việc sau 2 năm mới chính thức chuyển từ kỷ luật Đảng sang xử lý hình sự, đã thể hiện hai nguyên tắc trong chống “giặc nội xâm”. Đó là: “Không nương nhẹ, nhưng cũng thận trọng, không làm oan”; “Kỷ luật Đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo pháp luật”.
Cách đây chưa đầy 10 năm, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên được Đảng đánh giá là nghiêm trọng. Những biểu hiện lạm quyền, lộng quyền trong thực thi công vụ và tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công, đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, quản lý tài chính... đã “giúp” nhiều cán bộ giàu bất thường. Thời điểm đó, có dư luận hoài nghi Đảng không đủ bản lĩnh để xử lý cán bộ cấp cao tham nhũng vì “ném chuột vỡ bình”. Các thế lực thù địch ra sức thêu dệt và lu loa: Đảng chỉ dám “giơ cao đánh khẽ”...
Nhưng đến nay thì đã rõ ràng, luận điệu ấy đã tự nó trở nên lố bịch. Cụ thể là trong giai đoạn 2013-2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131.000 đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên; trong đó có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị) bị xử lý kỷ luật. Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng vừa qua thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng nhằm loại bỏ "sâu mọt", “cắt cây, tỉa cành”; “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.
Đặc biệt, đó không phải là "cuộc đấu đá, thanh trừng nội bộ" như các thế lực thù địch và một số cá nhân bất mãn hay rêu rao. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020: “Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười”.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, vấn đề quan trọng là ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, thì mỗi cấp ủy Đảng cần thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát theo hướng kỹ lưỡng, chặt chẽ, đúng nguyên tắc và quy định; tuyệt đối không thỏa hiệp, bao che và dung túng những cán bộ lợi dụng chính sách, lách cơ chế, câu kết để tư lợi, đạt tham vọng cá nhân. Đặc biệt, cần đẩy mạnh thực hành nêu gương trong cán bộ, đảng viên cùng với việc mở rộng dân chủ thực chất trong thực thi công vụ, nhất là trong thực thi các dự án, đề án liên quan đến quyền, lợi ích của nhân dân, để nhân dân giám sát, kiểm tra.
Thực tế, Đảng ta đã chỉ đạo thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng, như: Kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; trả lương qua tài khoản; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức... Tuy nhiên cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, không ít biện pháp có hiệu quả chưa cao, có nơi có lúc làm qua loa, đại khái, nặng về hình thức...
Dư luận mong mỏi những biện pháp phòng ngừa tham nhũng cần được chú trọng, đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới, góp phần chặn đứng tham nhũng từ trứng nước; đồng thời đề xuất với Đảng nên nghiên cứu, cân nhắc áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ hơn, như: Yêu cầu người đứng đầu phải giải trình xử lý đơn tố cáo nặc danh; xử lý hành vi làm giàu bất thường, bất hợp pháp… Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch; không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào; không ngã đổ bởi bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào - xứng đáng là "thanh bảo kiếm" của Đảng, Nhà nước, là những "Bao Công của thời đại ngày nay".
“Giặc nội xâm” là kẻ thù cực kỳ nguy hiểm, làm cho lý tưởng, niềm tin trong xã hội lung lay và xuống dốc. Với tinh thần “không ngừng”, “không nghỉ” như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tin tưởng rằng, việc chống “giặc nội xâm” tiếp tục góp phần xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”, xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo để Việt Nam phát triển hùng cường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.