Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống dịch Covid-19: Không nương nhẹ cho tiêu cực, sai phạm!

Bảo Hân| 23/04/2020 13:49

(HNMO) - Trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19, là địa bàn có nguy cơ cao vì dân số đông, là đầu mối giao lưu và giao thông, có nhiều thời điểm phát sinh những ổ dịch phức tạp, Hà Nội phải có phương án linh hoạt và phù hợp. Thành công của nhiệm vụ phòng chống dịch ngày hôm nay của Thủ đô có được là nhờ chiến lược nhanh chóng xét nghiệm để kịp thời khoanh vùng, dập dịch. Dịch bệnh mới đòi hỏi phải có đủ "vũ khí" đáp ứng yêu cầu xét nghiệm nhanh nên ngay từ những ngày đầu của "cuộc chiến", yêu cầu mua sắm trang thiết bị y tế đã được đề ra với nguyên tắc phải bảo đảm công khai, minh bạch.

Hà Nội đã yêu cầu kiểm tra, rà soát và quản lý chặt chẽ việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị, vật tư chống dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Triển khai một loạt biện pháp chưa từng có

Ngày 16-3, ngay khi Hà Nội xuất hiện ca bệnh thứ hai nhiễm Covid-19 sau khi đã xét nghiệm 3 lần âm tính với SARS-CoV-2 (ca bệnh số 59), Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thành phố Hà Nội lập tức ra chỉ đạo gấp để có sự thay đổi trong xét nghiệm.

Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo vào tối cùng ngày, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội (CDC Hà Nội) xét nghiệm miễn phí 2 lần đối với tất cả những người đến từ vùng dịch để loại bỏ nguy cơ như các trường hợp âm tính 1, thậm chí 3 lần, sau đó lại có biểu hiện bệnh và được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Toàn bộ kinh phí xét nghiệm do thành phố chi trả.

Nhờ sử dụng công nghệ xét nghiệm Realtime-PCR, là công nghệ hiện đại nhất hiện nay theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nên Bộ Y tế đã cho phép Hà Nội được công bố ngay những trường hợp được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) xét nghiệm dương tính. Bởi, nếu theo quy định, phải chờ thêm kết quả xét nghiệm chéo của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương thì mất thêm thời gian, khiến công tác phòng dịch bị bỏ lỡ khung giờ vàng để khoanh vùng từng “đốm nhỏ”, không để dịch bùng phát thành "mảng lớn".

Việc xuất hiện ổ dịch lớn, phức tạp như tại Bệnh viện Bạch Mai buộc Hà Nội phải rà soát, xét nghiệm "càng nhanh càng tốt".

Từ một ca được phát hiện ban đầu vào ngày 7-3, đến đầu tháng 4, số ca nhiễm Covid-19 của Hà Nội nhiều nhất cả nước, trong đó có 56 trường hợp nhiễm bệnh trong cộng đồng, cho thấy sự nguy hiểm đến từ nguồn lây nhiễm này. Nguy cơ lớn nhất trên địa bàn thành phố thời điểm đó là từ ổ dịch tại Công TNHH MTV thương mại và dịch vụ Trường Sinh, đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống tại Bệnh viện Bạch Mai. Đã có những trường hợp F0 lây cho F2 và sau đó chính F2 lại trở thành F0...

Trước áp lực lớn chưa từng có vì diễn biến nhanh và phức tạp của dịch bệnh, Hà Nội càng quyết liệt thực hiện phương châm rà soát và xét nghiệm "càng nhanh càng tốt” để khoanh vùng kịp thời. Những biện pháp chống dịch, có thể nói là chưa từng có tiền lệ được áp dụng đã đem lại hiệu quả, được chứng minh bằng việc đến hôm nay, thành phố đã qua 7 ngày chưa ghi nhận ca nhiễm mới, số ca phục hồi ngày càng nhiều. Những quyết sách đúng đắn, linh hoạt, trong đó có sự chủ động đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại, đã giúp Hà Nội khống chế, kiểm soát dịch bệnh, đóng góp lớn vào thành công bước đầu của cả nước trong phòng, chống dịch Covid-19. 

"Vừa chống dịch, vừa chăm lo phát triển kinh tế, xã hội" - trong nhiệm vụ “kép” được Hà Nội đã, đang nỗ lực triển khai thì yêu cầu công khai, minh bạch trong mua sắm, sử dụng các trang thiết bị, vật tư phòng dịch luôn được thành phố đặt lên hàng đầu.

Nghiêm minh xử lý mọi vi phạm

Ngay từ giai đoạn đầu phòng, chống dịch, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy Hà Nội thống nhất giao Sở Y tế là đơn vị mua sắm tập trung, yêu cầu không phân cấp ngân sách về cho các phòng y tế quận, huyện, thị xã cũng như các bệnh viện. Thành phố thường xuyên đôn đốc để việc mua sắm bảo đảm chất lượng, số lượng. Bên cạnh đó, UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng như Công an thành phố, Sở Công Thương thường xuyên kiểm tra, xử lý những đơn vị cung cấp trang thiết bị tăng giá. 

Ngay khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vào cuộc điều tra về việc mua sắm trang thiết bị của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội và một số đơn vị liên quan, Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy và Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đã nhất quán khẳng định quan điểm: Các trường hợp vi phạm phải được điều tra và xử lý nghiêm; không nương nhẹ bất cứ trường hợp nào. Đặc biệt, những hành vi xảy ra trong dịch bệnh phải được coi là tình tiết tăng nặng.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong một cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố cảnh báo, hiện tượng tiêu cực, xà xẻo trong phòng, chống dịch Covid-19 là có tội. Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, nếu có vi phạm thì phải phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm …

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố vào sáng 17-4, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Nếu để xảy ra trường hợp tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này là có tội với dân, thậm chí mang tiếng với cộng đồng quốc tế”.

Trên thực tế, từ đầu dịch Covid-19 cho đến nay, các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã kịp thời ngăn chặn, xử lý hàng trăm trường hợp có ý định đầu cơ, tích trữ, găm hàng hoặc bán tăng giá các mặt hàng thiết yếu cũng như vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch. Sự ra quân quyết liệt của liên ngành công an, công thương và quản lý thị trường cho thấy các lực lượng chức năng chưa từng nương tay cho các vi phạm, dù là nhỏ.

Mọi hành vi, sai phạm liên quan đến nâng giá, trục lợi trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch trên địa bàn Thủ đô đều bị lên án và xử lý nghiêm minh. (Ảnh minh họa)

Trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị y tế, lũy kế từ ngày 31-1 đến ngày 22-4, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát 8.413 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 4,26 tỷ đồng. Trong đó, Hà Nội đã góp phần khám phá nhiều vụ vi phạm ở quy mô lớn.

Theo thống kê, 22 ngày qua, đã có hơn 11.900 trường hợp vi phạm trong thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và thành phố phố Hà Nội thực hiện các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19 bị xử lý với tổng số tiền phạt trên 3,3 tỷ đồng.

Điều đó cho thấy, trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 của cả nước nói chung cũng như Hà Nội nói riêng, không khi nào có “đất” trú chân cho những vi phạm, sai phạm, dù từ hành vi nhỏ, bị xử phạt hành chính cho đến sai phạm nghiêm trọng, bị xử lý hình sự. 

Đến hôm nay, kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận và ngưỡng mộ. Trong cả chặng đường gian nan để có được kết quả này, những hành vi tiêu cực chỉ là cá biệt, “con sâu làm rầu nồi canh”. Việc xử lý nghiêm những đối tượng này tất yếu sẽ sớm diễn ra, khẳng định sự nghiêm minh của pháp luật và không có ngoại lệ trong bất cứ tình huống nào. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống dịch Covid-19: Không nương nhẹ cho tiêu cực, sai phạm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.