Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống bức cung, nhục hình: Cơ chế nào để kiểm soát hiệu quả? (tiếp theo và hết)

Hồ Bách| 24/09/2014 06:06

(HNM) - Vì sao bức cung, nhục hình thường diễn ra ở giai đoạn tiền khởi tố bị can là vấn đề đang gây trăn trở với nhiều luật sư.

Vì sao bức cung, nhục hình thường diễn ra ở giai đoạn tiền khởi tố bị can là vấn đề đang gây trăn trở với nhiều luật sư. Theo luật sư Cao Xuân Vượng, Đoàn luật sư Hà Nội, có người nói nếu không dùng nhục hình thì một số đối tượng trộm cắp tài sản, cướp tài sản, phạm tội có tổ chức sẽ không khai báo. Nhưng nhận định này trái luật và không hợp lý bởi lẽ có nhiều biện pháp hợp pháp để đấu tranh chống tội phạm. Việc này chắc chắn chỉ xảy ra đối với một số điều tra viên non kém về nghiệp vụ. Cũng còn hiện tượng "ám chỉ" có hiệu quả không kém bức cung như dùng lời nói đe dọa, dụ dỗ, tác động về mặt tinh thần, hạn chế gặp người thân thăm nuôi… để ép buộc khai sai sự thật, nhưng rất khó thu thập chứng cứ để chứng minh, pháp luật cũng không quy kết như vậy là phạm tội bức cung. Trong trường hợp này nếu chỉ dùng thiết bị ghi âm, ghi hình, tăng cường vai trò thủ trưởng của các cơ quan liên quan thì không có tính khả thi cao, chưa bảo đảm tối đa quyền lợi của bị can, bị cáo. Cần một kênh giám sát, ngăn chặn độc lập hơn - đó là luật sư. Cụ thể, việc cần làm ngay hiện nay là bỏ quy định phải có giấy chứng nhận bào chữa tại Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự như hiện nay để đẩy nhanh tiến độ nhập cuộc của luật sư trong mỗi vụ án. Bởi về bản chất, quyền được nhờ người bào chữa là quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và chỉ bị hạn chế bởi luật chứ không phải bởi việc cấp giấy vốn mang nặng thủ tục hành chính. Giải pháp nữa là tăng cường vai trò của Viện Kiểm sát trong kiểm sát việc tuân theo pháp luật ở giai đoạn khởi tố, bảo đảm phải hợp pháp, đúng luật. Viện Kiểm sát nên chủ động kiểm sát việc tiếp nhận và giải quyết các đơn thư, thông tin tố giác và tin báo về tội phạm của các cơ quan điều tra. Đây là kênh giám sát thứ hai giúp hạn chế bức cung, nhục hình.

TS Phan Trung Hoài - Trưởng ban Bảo vệ quyền lợi luật sư - Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, về diện chủ thể hưởng quyền bào chữa, cũng cần mở rộng hơn. Ngoài người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, cần bổ sung cả người bị tình nghi phạm tội được cơ quan điều tra mời lên làm việc, tiến hành xác minh (còn gọi là nghi phạm trong hoạt động tiền tố tụng) và người đang chấp hành bản án đã có hiệu lực pháp luật. Ông Phan Trung Hoài lý giải, đề nghị này xuất phát từ thực tiễn là nhiều cá nhân bị cơ quan điều tra triệu tập đến ghi lời khai, thực hiện một số biện pháp tạm giữ người qua đêm, thu giữ hộ chiếu và ngăn chặn xuất cảnh, cấm đi khỏi nơi cư trú nhưng lại không được hỗ trợ về mặt pháp lý của luật sư.

Bên cạnh đó, vấn đề khung hình phạt tội dùng nhục hình quá nhẹ. Theo người đứng đầu Liên đoàn Luật sư Việt Nam - Chủ tịch Lê Thúc Anh, hiện mức án 15 năm là cao nhất. Một số địa phương khi xét xử các vụ án nhục hình gây chết người, còn cho hưởng tình tiết giảm nhẹ khiến án đã nhẹ lại càng nhẹ.

Chính sách phải phù hợp với thực tiễn

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Trương Trọng Nghĩa khẳng định, bất cập không chỉ như vậy. Điều đáng lưu ý là, trước khi bàn đến việc bảo đảm quyền lợi, vai trò luật sư, thiết lập kênh giám sát hiệu quả, chúng ta cần phân tích thử xem quyền lợi thân chủ của họ là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đã bảo đảm chưa. Để chống oan sai, bảo vệ người vô tội, nhiều nước từ lâu đã cho phép người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền giữ im lặng cho đến khi gặp luật sư và chỉ khai báo sau khi được tiếp xúc với luật sư. Nhưng Việt Nam hầu như chưa làm được. Không ít điều tra viên đáng lẽ phải tôn trọng chứng cứ, nguyên tắc "suy đoán vô tội", nhưng lại cố gắng suy đoán theo hướng có tội. "Oan sai, bức cung, nhục hình xảy ra do nhận thức, vị trí bất bình đẳng giữa người bị điều tra với điều tra viên. Vì đấu trí thua, nên mới có hiện tượng nôn nóng, dùng bức cung, nhục hình. Do vậy, để chống bức cung, nhục hình nhất định không thể để những quan điểm lỗi thời cản bước công tác cải cách tư pháp; cần tạo điều kiện cho luật sư tham gia vụ án càng sớm càng tốt; cho bị can, bị cáo quyền được giữ im lặng cho đến khi gặp luật sư. Ngoài ra, nên tạo điều kiện để luật sư có quyền tiến hành thu thập chứng cứ độc lập" - ông Trương Trọng Nghĩa phân tích.

Trao đổi với một số cán bộ ngành CA, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy nhiều băn khoăn về đề xuất nêu trên. Vấn đề mấu chốt là nếu CA khi bắt người, đưa về tạm giữ nhưng không có biên bản lời khai thì trái quy định của pháp luật. Tại cuộc làm việc với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội gần đây nhất, Thứ trưởng Bộ CA Lê Quý Vương cũng nêu quan điểm, trong những vụ án nghiêm trọng, bức xúc, ở Hà Nội thì dễ điều động luật sư, nhưng ở các nơi vùng núi như Hà Giang thì việc điều luật sư đến trợ giúp pháp lý rất khó vì không có nhiều luật sư hoạt động ở địa bàn đó.

Song luật sư Trương Trọng Nghĩa không đồng tình vì cho rằng với hệ thống trung tâm trợ giúp pháp lý đang có mặt ở tất cả các tỉnh, thành phố, hoàn toàn có thể vươn đến cấp huyện, xã. Riêng vùng sâu, vùng xa có thể tận dụng lực lượng các điều tra viên, luật sư đã nghỉ hưu. Chỉ cần có cung, chắc chắn sẽ có cầu và lực lượng luật sư tham gia bào chữa sẽ không thiếu.

Thiết nghĩ, lâu nay, chuyện mỗi ngành có một quan điểm riêng về cùng một sự việc cũng là chuyện bình thường. Điều này cũng chứng tỏ không có vùng cấm, ngăn cản thông tin về hoạt động tố tụng như một số trang web nước ngoài xuyên tạc. Nhưng đây cũng là lúc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cao hơn là Quốc hội cần đóng vai trò trọng tài, cùng ngành CA, tòa án, kiểm sát và luật sư xây dựng các luật liên quan đến tố tụng hình sự phù hợp với nhu cầu thực tiễn, bảo đảm tính cân xứng trong quản lý nhà nước, phòng chống oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Kể từ khi thành lập vào ngày 12-5-2009 đến nay, số lượng luật sư đã tăng gần 40% lên 8.675 người; 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều đã thành lập đoàn luật sư. Sau 5 năm đội ngũ luật sư đã tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân gần 67.500 vụ án hình sự, hơn 54.000 vụ án dân sự, gần 5.500 vụ án kinh tế, 4.423 vụ án hành chính, ngoài ra Liên đoàn Luật sư còn trợ giúp pháp lý miễn phí 31.271 cho người nghèo, đối tượng chính sách; 100% các vụ án do cơ quan tố tụng yêu cầu đều có luật sư tham gia, chất lượng bào chữa trong các vụ án cũng ngày càng được nâng cao.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chống bức cung, nhục hình: Cơ chế nào để kiểm soát hiệu quả? (tiếp theo và hết)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.