(HNM) - Trong cuốn sách “Đường Kách mệnh”, khi nói về tư cách một người cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra 23 tiêu chuẩn cần phải rèn luyện trong ba mối quan hệ - với bản thân, với người khác và với công việc. Trong đó có các yêu cầu rất quan trọng như: “Nói thì phải làm”, “quyết đoán”, “dũng cảm”…
Đảng viên là “chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong”, điều đó đồng nghĩa đảng viên khác với đông đảo quần chúng ở phẩm chất tiên phong, gương mẫu. Cụ thể là phải nêu gương mẫu mực trong cách sống, cách làm việc, trong quan hệ, ứng xử với người khác…
Tuy nhiên hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã phai nhạt phẩm chất này, thể hiện rõ nhất qua sự trì trệ trong giải quyết công việc…
Hai mươi năm sau khi xác định những yêu cầu của một người cách mạng - năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra khá rõ nét những hạn chế về tư cách cán bộ, đảng viên và cũng là biểu hiện của bệnh trì trệ khi đó. Đó là: “Làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Việc gì dễ thì tranh lấy cho mình. Việc gì khó thì đùn cho người khác. Gặp việc nguy hiểm thì tìm cách để trốn tránh”. Và: “Thấy những việc có hại đến dân chúng cũng mặc kệ, không khuyên răn, không ngăn cản, không giải thích. Làm việc không có kế hoạch, gặp sao làm vậy, làm lấy lệ, làm không có ngăn nắp, làm không đến nơi đến chốn”.
Cùng với quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do đất nước, Đảng, Nhà nước ta không ngừng quan tâm tiến hành công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đi đôi với kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đào tạo đội ngũ cán bộ… để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả to lớn, tích cực, bệnh trì trệ vẫn không bị xóa bỏ mà vẫn tồn tại, phát triển thêm nhiều dạng mới.
Thường gặp, tình trạng “ngâm” chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của cấp trên; làm việc tà tà “dễ làm khó bỏ”... Hàng loạt công trình, công việc có ngày khởi công song không xác định được ngày kết thúc, kèm theo đội vốn đầu tư, tốn kém tiền của Nhà nước. Cá biệt, có những công trình kéo dài nhiều nhiệm kỳ không giải quyết xong, thậm chí bỏ hoang, gây bức xúc trong dư luận nhân dân, làm mất đi thời cơ phát triển.
Thường gặp, tình trạng “né” việc, “né” trách nhiệm, “đùn cho người khác” trong giải quyết những công việc đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều đơn vị. Nhẹ thì gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, lớn hơn thì hình thành kiểu vòi vĩnh “bôi trơn”, gây tiêu cực, tham nhũng.
Vẫn còn đó, những cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, không hoàn thành nhiệm vụ được giao; và giờ thêm nhiều người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (đang công bố xin ý kiến nhân dân) đánh giá: “Nhiều hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở một số nơi chậm được khắc phục; trách nhiệm người đứng đầu chưa thực sự được đề cao. Tư tưởng trông chờ, thụ động, ỷ lại vào cấp trên, tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, kỷ cương phép nước không nghiêm còn khá phổ biến…”.
Bệnh trì trệ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn chỉ ra, gây nên tác hại nhiều mặt: “Phá hoại tổ chức của Đảng, giảm bớt kỷ luật của Đảng, bỏ mất thời cơ tốt, lúc nên làm thì không làm, khi làm thì trễ rồi”.
Chống bệnh trì trệ là để trả lại cho Đảng giá trị thiêng liêng “tiên phong, gương mẫu”; để tăng sức mạnh cho tổ chức Đảng!
Và cũng là để thúc đẩy phát triển đất nước!
Do vậy, chống bệnh trì trệ, đồng nghĩa với việc phải bắt đầu từ việc quan tâm hơn tới xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh. Nhận thức rõ tầm quan trọng này, nghị quyết đại hội Đảng của các cấp vừa qua đều rất chú trọng tới việc xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ mới với nhiều phẩm chất mới.
Điển hình như Đảng bộ Khối cơ quan Trung ương đặt mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020-2025: “Phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và nâng cao đạo đức cách mạng, trách nhiệm nêu gương, quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương trong sạch, vững mạnh”.
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng nêu rõ phương hướng trong 5 năm tới: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”.
Để chữa bệnh trì trệ, trước hết, cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy, qua đó xác định rõ nhiệm vụ, chức trách mỗi thành viên trong tổ chức, cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở “chuẩn hóa” công việc, cần tiến hành “chuẩn hóa” nhân sự thực hiện công việc đó.
Điều mang ý nghĩa quyết định trong chống bệnh trì trệ là phải xây dựng cho được một bộ khung pháp lý trong quy trình công tác, với những quy định, quy chế… thật cụ thể, rõ ràng. Thông qua đó, thực hiện “chuẩn hóa” quy trình công tác gắn với trách nhiệm cá nhân người thực hiện và người phụ trách.
Mỗi công việc cần xác định rõ cơ sở, mục đích, yêu cầu, kết quả phải đạt cùng tiến độ kết thúc. Đây là cơ sở quan trọng để tiến hành công tác kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả công việc theo nguyên tắc “cấp dưới phải báo cáo, cấp trên phải kiểm soát”. Kiểm soát, đánh giá cũng không chỉ dừng trong các cơ quan, trong tổ chức Đảng, chính quyền, mà cần phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị để thiết thực giúp đỡ con người, xây dựng tổ chức.
Đây cũng còn là cách đổi mới lãnh đạo theo hướng hiệu lực, hiệu quả như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng lưu ý: “Các cơ quan chỉ đạo phải có cách lãnh đạo cho đúng. Mỗi việc gì đều phải chỉ bảo cách làm.
Cấp trên phải hiểu rõ tình hình cấp dưới và tình hình quần chúng, để chỉ đạo cho đúng.
Khi nghị quyết việc gì, phải cẩn thận, rõ ràng. Khi đã nghị quyết thì phải kiên quyết thi hành…”.
Bệnh trì trệ - bản thân tên gọi đã khó nhanh chóng.
Vậy nên, chữa bệnh trì trệ, cần lắm phải kiên định, kiên quyết và kiên trì!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.