(HNM) - Cùng với cả nước, Đảng bộ TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03-CT/TƯ ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
Ngoài tổ chức học tập các chuyên đề, xây dựng tiêu chí làm theo, Đảng bộ TP Hà Nội chú ý xây dựng mô hình điểm để nhân rộng. Trong thực tiễn đã có những mô hình khá sinh động.
Xây dựng mô hình
"Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" chuyển từ hình thức vận động (giai đoạn 2006-2010) sang làm thường xuyên, liên tục (giai đoạn 2011-2015) đòi hỏi cao hơn, nếu không thực hiện tốt sẽ rơi vào hình thức. Do đó, Quận ủy Thanh Xuân quyết định xây dựng mô hình điểm, cụ thể hóa các chuẩn mực thành tiêu chí phấn đấu của tập thể và cá nhân, coi đây là giải pháp hàng đầu trong việc đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng theo Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI).
Với khẩu hiệu: "Mỗi CBCS phải là một cán bộ dân vận", CA quận Thanh Xuân đã tiến hành rà soát, bãi bỏ các quy trình, quy chế không phù hợp; xây dựng quy trình tiếp dân, phân công chỉ huy đơn vị trực và giải quyết công việc của dân. Mặt khác, CA quận yêu cầu CA các phường cung cấp, trả lời phiếu xác minh giải quyết hộ khẩu trong vòng 24 giờ. Nhờ đó đã giải quyết các thủ tục về hộ khẩu nhanh 3-5 ngày so với trước đây. CA quận cũng đã "khoanh vùng" đơn vị, vị trí có nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực để chủ động phòng ngừa thông qua việc lựa chọn, sắp xếp cán bộ, công khai quy trình, quy chế công tác, thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn, đẩy lùi tệ quan liêu, hách dịch. Tinh thần làm việc của CBCS tốt hơn, nhiều gương dũng cảm chiến đấu, lập thành tích trên mặt trận an ninh, gìn giữ TTATXH, trong đó đáng kể là việc khám phá thành công chuyên án VA-004M, bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ 10 bánh hêrôin. Bằng những việc làm theo gương Bác một cách thiết thực, CBCS lập nhiều chiến công, CA quận Thanh Xuân được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Tránh dập khuôn, máy móc
Xã Sơn Đông - một trong hai đơn vị được Thị ủy Sơn Tây chọn làm điểm triển khai Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị đã lựa chọn việc khó - thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang để tạo chuyển biến. Bí thư Đảng ủy xã Sơn Đông Nguyễn Văn Lực cho biết, trước đây, mỗi đám cưới phải làm hơn 100 mâm cỗ, vừa mất thời gian, vừa tốn kém, nhất là với các gia đình khó khăn. Cách làm của xã là, trước mỗi đám cưới cử cán bộ xuống gia đình phổ biến nghị quyết của Đảng ủy, đẩy mạnh làm theo gương Bác tiết kiệm trong việc cưới, đề nghị mọi người cùng hưởng ứng. Lúc đầu, nhiều hộ dân chưa hài lòng, cho rằng cấp ủy, chính quyền can thiệp quá sâu vào việc riêng của họ. Vừa tuyên truyền, vừa yêu cầu gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước, từ đó giúp người dân thấy rõ tác dụng của việc "tiết kiệm" và làm theo. Mỗi đám cưới đã giảm được một nửa chi phí và số mâm cỗ, đúng với yêu cầu Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 3-10-2012 của Thành ủy "Về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội". Tương tự, việc tang đã giảm cỗ bàn, tổ chức văn minh hơn, không còn các hủ tục lạc hậu. Với cách làm bài bản, lấy tuyên truyền làm đầu kết hợp nêu gương cán bộ, đảng viên, xã Sơn Đông còn vận động nhân dân hiến hơn 6.200m2 đất để mở rộng đường, trong đó thôn Bình Sơn hiến hơn 1.100m2 đất. Đây là tiền đề quan trọng để năm 2012, Sơn Đông triển khai thực hiện các hạng mục xây dựng nông thôn mới.
Ngoài hai mô hình trên, nhiều quận, huyện, cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội đã có cách làm riêng, như tại phường Thượng Thanh (quận Long Biên), cán bộ, đảng viên, nhân dân, mỗi người tiết kiệm mỗi ngày 500 - 1.000 đồng để giúp đỡ các gia đình khó khăn. Quận ủy Cầu Giấy chọn hai nội dung tập trung chỉ đạo: "Giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự đô thị" và "Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nêu cao ý thức phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo chủ chốt"...
Qua hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 03 cho thấy, yếu tố quyết định hiệu quả việc học và làm theo gương Bác chính là nhận thức và hành động hưởng ứng của cấp ủy, người đứng đầu. Trên thực tế không thể dập khuôn máy móc, mỗi cơ quan, đơn vị cần tìm cho mình cách làm phù hợp. Trước hết, cần thay đổi hình thức tuyên truyền, giáo dục về tấm gương đạo đức của Bác phù hợp từng đối tượng, lứa tuổi, ngành nghề… Chẳng hạn với người nông dân cần tuyên truyền những việc làm của Bác thiết thực đối với cuộc sống để họ có thể làm theo một cách dễ dàng. Yếu tố quan trọng nữa là tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy trong tuyên truyền, thực hiện Chỉ thị số 03 gắn với thực hiện những việc cần làm ngay để khắc phục hạn chế, khuyết điểm theo Nghị quyết TƯ 4. Chỉ khi nào, cán bộ, đảng viên, mỗi người dân tự giác học, làm theo gương Bác, nâng cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết công việc tốt hơn... khi đó mới có được hiệu quả thực sự.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.