(HNM) - Sau 10 năm mở chợ đêm với tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân, được sự đồng ý của thành phố, tối 3-10, quận Hoàn Kiếm chính thức mở rộng thêm không gian đi bộ sang khu bảo tồn cấp I khu phố cổ Hà Nội.
Đây là một hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014), song ý nghĩa hơn là khu vực này gắn kết chặt chẽ với tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân tạo ra một chợ đêm du lịch đúng nghĩa, một sản phẩm du lịch có giá trị độc đáo của Thủ đô.
Biểu diễn chầu văn tại khu chợ đêm mở rộng. |
Từ "nhạt và lộn xộn"...
Thực hiện chủ trương của Thành ủy và UBND thành phố về từng bước xây dựng Khu phố cổ Hà Nội thành không gian đi bộ nhằm phát huy giá trị văn hóa, kiến trúc và phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn, cách đây tròn 10 năm quận Hoàn Kiếm đã xin phép thành phố cho tổ chức mô hình chợ đêm với tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân vào 3 tối cuối tuần. Năm tháng trôi qua, từ chỗ lèo tèo hoạt động, lưa thưa người qua lại, dần dà chợ đêm cuối tuần này ngày càng trở nên đông đúc, là một địa chỉ tham quan của nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Cũng từ đây, nhiều tuyến phố trong khu phố cổ đã "ăn theo" các dịch vụ khác về đêm mà nổi danh là những quán bia "cỏ" phố Tạ Hiện đông kín khách Tây, là "trà chanh chém gió" phố Lương Ngọc Quyến ngập tràn thanh niên...
Khi chiếc áo cũ đã chật, tất phải tính tới một chiếc áo mới rộng hơn. Trên cơ sở kinh nghiệm tổ chức chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân, từ năm 2010, quận Hoàn Kiếm đã tính tới việc nghiên cứu mở rộng không gian đi bộ sang khu bảo tồn cấp I Khu phố cổ Hà Nội.
Khu bảo tồn cấp I khu phố cổ gồm 6 tuyến phố: Hàng Buồm - Mã Mây - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện - Đào Duy Từ. Đây là những con phố gắn liền với nhiều ngành nghề truyền thống, nhiều cửa hàng kinh doanh "có thương hiệu" về bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát... Khảo sát nhanh những mặt phố cho thấy, 47 trong tổng số 159 cửa hàng (chiếm 30%) là kinh doanh ăn uống với nhiều món ngon tiêu biểu cho truyền thống ẩm thực tinh tế chốn kinh kỳ. Ấy là chưa kể ngót 50 "quán cóc" với đủ mặt hàng sẵn sàng phục vụ nhu cầu của đủ loại khách. Tiềm năng ấy cộng với những giá trị văn hóa - lịch sử hiện hữu tại các căn nhà cổ, các di tích đặc biệt - đủ để có thể chắp thêm cánh cho ước mơ phát triển. Và đề án "Mở rộng không gian đi bộ sang khu bảo tồn cấp I Khu phố cổ Hà Nội" của quận Hoàn Kiếm đã được UBND thành phố thông qua ngày 30-12-2013.
Nhưng thực tế không dễ như những gì tính trên trang giấy. Ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Để chuẩn bị cho hoạt động của tuyến phố đi bộ mở rộng, các ban, ngành của quận Hoàn Kiếm đã khẩn trương triển khai các giải pháp chỉnh trang đô thị: Hơn 200 mái vẩy, mái che mất mỹ quan đã được tháo dỡ; các điểm giao thông tĩnh được tính toán sắp xếp lại; các phương án bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường trên các tuyến phố được xây dựng... Ngay cả việc trang trí, chiếu sáng cũng được chuẩn bị hàng tháng trời với những đòi hỏi khắt khe. Còn công tác tuyên truyền thì không thể kể hết bao nhiêu lần với bao nhiêu cách thức.
Thận trọng và kỹ càng là vậy, dư luận cũng quan tâm, nhưng sau phát pháo lệnh nổ vào ngày 11-4-2014 thực tế vẫn không hoàn toàn như ý. Trên các tuyến phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ, ngã tư Mã Mây - Lương Ngọc Quyến, các nhà hàng, quán ăn đã thu hút được đông đảo du khách tham gia, cơ bản phù hợp với kết cấu cần có của một chợ đêm. Lượng khách tìm đến các địa chỉ tiêu biểu cho giá trị văn hóa, lịch sử của khu phố cổ cũng tăng dần…
Nhưng chỉ có vậy - "nhạt và lộn xộn" vẫn là đánh giá khá thống nhất của cơ quan quản lý cũng như dư luận xã hội. "Nhạt" vì hoạt động của tuyến phố đi bộ mới mở rộng còn quá khiêm tốn và tĩnh lặng chưa tạo được sự quan tâm của du khách, trái ngược với sự sầm uất náo nhiệt của tuyến phố đi bộ chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân cạnh đó. "Lộn xộn" vì "phố đi bộ" luôn bị biến dạng bởi tình trạng xe máy, xe đạp vô tư đi lại, để bừa bãi dưới lòng đường. Các điểm trông giữ xe thu tiền với giá cắt cổ tự phát ở cả khu vực bên trong và lân cận các tuyến phố.
Phố đi bộ trở nên hấp dẫn khách du lịch hơn bởi những đặc sản ẩm thực truyền thống Hà Nội. |
... đến "đặc sắc và trật tự"
Người dân chê. Báo chí "phê". Cấp trên không thể không vào cuộc - chỉ trong một tháng, UBND thành phố liên tiếp ra hai văn bản (số 3667/VP-XDGT ngày 19-6-2014 và số 3688/VP-XDGT ngày 20-6-2014) chỉ đạo quận Hoàn Kiếm phải khắc phục cho được hai điểm nút "nhạt và lộn xộn".
Nhưng làm thế nào? Câu trả lời vẫn là dựa vào những gì riêng có của Hoàn Kiếm. Ông Đỗ Xuân Thủy - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân, người có nhiều kinh nghiệm làm chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân cho biết: Đơn vị đã rà lại tất cả những gì thuộc về bản sắc riêng của không gian đi bộ mở rộng thì thấy, khác với tuyến chợ đêm đã có vốn tập trung các cửa hàng buôn bán quần áo, ở không gian bảo tồn cấp I của khu phố cổ có 2 điểm độc đáo. Đó là tại các khu phố này có nhiều món ăn đặc sản nổi tiếng của Hà Nội, mang đậm dấu ấn tinh hoa ẩm thực của người Việt, người Hoa; và có nhiều công trình kiến trúc cổ, nhiều di tích lịch sử giá trị đặc biệt như đền Bạch Mã, đình Quán Đế, nhà cổ 87 Mã Mây, đền Hương Tượng…
Chính sự độc đáo này đã gợi mở những giải pháp mới. Để các tuyến phố đi bộ không "nhạt nhẽo" và im lìm ngủ trong đêm, trên hè các tuyến phố người dân sẽ tổ chức giới thiệu và phục vụ khách những món ăn, quà bánh, đồ uống mang tính truyền thống, tinh hoa ẩm thực của Hà Nội và một số hàng ăn nhẹ Âu, Á. Các cửa hàng bán đồ lưu niệm cũng được quan tâm tổ chức giúp khách du lịch lựa chọn cho mình những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, kim hoàn truyền thống tiêu biểu cho văn hóa Hà Nội và đất nước Việt Nam. Ngay cả việc nghỉ chân của khách cũng bước đầu được tính đếm bằng cách sắp xếp những chiếc ghế tại một số điểm phù hợp.
Những công trình kiến trúc như nhà cổ 87 Mã Mây, các đền Bạch Mã, đình Quán Đế, đền Hương Tượng… cũng được "đánh thức" không chỉ bởi hệ thống chiếu sáng lung linh, huyền ảo, mà còn bằng các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống như hát xẩm, chầu văn, ca trù... Một không gian biểu diễn nhạc Jazz cũng được bố trí ngay trên hè phố để các nghệ sĩ đường phố phục vụ cho những người yêu thích nghệ thuật đương đại. Chứng kiến những đám đông cả người Việt, người Tây cùng đắm say theo làn điệu hát Văn trong một lễ giá đồng hay cùng lắc lư theo nhịp điệu của Rock mới thấy hết sức quyến rũ của nghệ thuật khi gắn với du lịch. Và nhìn vào đông đúc những "ông Tây, bà đầm" hồn nhiên ăn phở cuốn, bánh cuốn Thanh Trì, hay những món chè phố cổ... ở các gian hàng nơi đây mới thấy hết một vòng khép kín nhu cầu của khách du lịch khi đến với phố cổ Hà Nội giờ đây đã được thỏa nguyện "ngắm nhìn - nghe - mua sắm - thưởng thức các món ăn đặc sản truyền thống".
Người đông nhưng đã giảm tối đa "lộn xộn", bởi "cung - cầu" về giao thông tĩnh đã được thành phố tháo gỡ bằng chủ trương cho phép quận thí điểm tận dụng gầm cầu Chương Dương tổ chức trông giữ xe máy các tối cuối tuần và bằng việc tăng cường kiểm tra xử lý các điểm trông giữ xe trái phép. Hơn 2.000 xe máy của người dân trong khu vực này đã được dán tem để đem ra bãi gửi miễn phí nhường vỉa hè lại cho việc tổ chức các hoạt động khác. Các chốt giao thông được thiết lập nhằm chấn chỉnh một bước căn bản tình trạng lộn xộn trong trật tự giao thông.
Trải dài trên 6 tuyến phố, không gian đi bộ tại khu bảo tồn cấp I khu phố cổ Hà Nội giờ đây đã khẳng định hiệu quả trong kết nối, thúc đẩy khai thác tuyến chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân; đồng thời mở ra thêm khả năng tổ chức các dịch vụ mới nhằm đáp ứng các nhu cầu phong phú và đa dạng của khách du lịch. Sau khoảng một tháng "chạy rốt-đa", hoạt động của tuyến phố đi bộ mở rộng ngày càng trở nên sinh động, phong phú hơn. Mỗi tối cuối tuần đã có hàng nghìn người dân, khách du lịch tham quan, mua sắm và thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc trưng tại các tuyến phố này. Người dân trên địa bàn ngày càng nhận thức ý nghĩa sâu sắc của chợ đêm du lịch, ngày càng có thêm nhiều người tham gia các hoạt động dịch vụ, kinh doanh trên các tuyến phố.
Cần lắm những đam mê với du lịch
Vẫn là những ngôi nhà cổ, những đình đền rêu phong, những con đường xưa... nhưng từ sự kết nối bằng "sợi dây" văn hóa giữa không gian cũ và không gian mới mở rộng đã mở ra một hướng phát triển mới về dịch vụ, du lịch ở khu phố cổ Hà Nội. Chốn này đã thật chợ đêm!
Nhưng từ nút bấm phát triển này cũng còn rất nhiều điều cần phải làm cho tương lai. Làm sao để duy trì bền lâu những hiệu quả đã làm được? Làm thế nào để du khách không còn bị “chặt chém” bởi nạn trông giữ xe với giá phi lý, với những hành vi thiếu văn minh thương mại? Cần đổi mới hoạt động ra sao để chợ đêm phố cổ ngày càng hút khách đến hơn?
Hà Nội là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất cả nước. Muốn cho điều tuyệt vời này là mãi mãi, trước hết đòi hỏi mỗi người dân Thủ đô phải biết kiêu hãnh với tiềm năng du lịch to lớn, biết chia sẻ với du lịch, và phải biết cả làm du lịch. Việc phải chịu thêm một chút phiền toái khi đưa xe máy đi gửi (dù là miễn phí) sẽ không là gì nếu có đủ đam mê, đủ tình yêu đối với việc tạo dựng cho được một sản phẩm du lịch đặc sắc. Việc sắp xếp hàng quán gọn gàng, chọn lựa giới thiệu những tinh hoa ẩm thực của Hà Nội, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chính là cách để giữ chữ "tín", song cũng là để bảo đảm trật tự mỹ quan đô thị, bảo đảm phát triển bền vững. Câu chuyện người dân Cù Lao Chàm (Quảng Nam) quyết chung sức xây dựng hòn đảo du lịch không rác thải, người dân Hội An đồng lòng xây dựng thành phố không khói thuốc lá... chính là những hình ảnh sống động về lòng đam mê đó.
Còn với mỗi người khách đến với chợ đêm, hãy làm đẹp thêm chốn này bằng chính những hành vi văn minh, trân trọng một vùng đất thấm đẫm văn hóa truyền thống 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.