(HNM) - Nhiều người nghĩ thú chơi xe đạp cổ ắt hẳn phải dành cho người nhàn rỗi ở chốn thị thành phồn hoa. Có lẽ cũng vì thế mà còn ít người biết đến một câu lạc bộ quy tụ những người yêu xe đạp cổ đến từ các vùng quê: Minh Khai, Yên Sở, Đắc Sở, Dương Liễu, Cát Quế… của huyện Hoài Đức.
Những "nông dân" mê xe cổ...
Trong tiết xuân lất phất mưa, trên những con đường bê tông khang trang, sạch sẽ, hai bên là hàng dừa nghiêng bóng, in dấu thời gian, chúng tôi có dịp được chiêm ngưỡng hàng trăm chiếc xe đạp cổ của "dân chơi" xe đạp trong huyện Hoài Đức được đưa về trưng bày tại Nhà văn hóa xã Yên. Sấu Giá - tên gọi của Câu lạc bộ xe đạp cổ, từng là một địa danh cổ, bao gồm nhiều xã của huyện Hoài Đức như: Yên Sở, Đắc Sở, Cát Quế, Minh Khai…
Trưng bày xe đạp cổ của Câu lạc bộ Sấu Giá thu hút nhiều người tham quan. |
Dù rằng những người chơi xe ở đây chỉ thích gọi là cuộc trưng bày với mục đích cho thế hệ trẻ biết đến một phần của lịch sử, còn người già được sống lại hoài niệm một thời; nhưng gọi hoạt động này là triển lãm xe đạp cổ huyện Hoài Đức cũng không "quá lời". Bởi lẽ, thời gian trưng bày kéo dài cả tháng nhưng không lúc nào thưa vắng khách. Tại đây, có những chiếc xe đạp cổ hiệu Peugeot nhuốm màu thời gian, tuổi đời lên tới 50 năm, đủ các màu sắc... Ví như "dân chơi xe" thì xe màu xanh là "vợ", xe màu đỏ là "chồng"... Và nếu là "dân chơi thứ thiệt", ai cũng mơ ước có đủ một cặp xanh - đỏ.
Hết ngắm nghía rồi sờ nắn những chiếc xe, ông Nguyễn Văn Đại năm nay đã gần 80 tuổi, người xã Dương Liễu, quay ra chia sẻ với chúng tôi: "Những chiếc xe đạp cổ của dân chơi xe Sấu Giá được lau chùi, bảo quản đến từng con ốc nên xe vẫn chạy bon bon, chuông "kính coong" và bánh sau khi nhấc lên, quay pedan, xích vẫn “trôi” tanh tách. Thời chúng tôi ăn chẳng đủ no, phương tiện đi lại khó khăn, cả tuần mới có một chuyến xe khách ra thành phố, đi đâu trong vùng đa phần đi bộ. Chỉ có giới thượng lưu hoặc "dân chơi" mới sở hữu xe đạp Peugeot, bởi nó đắt tương đương mảnh đất, ngôi nhà đẹp thời ấy. Đến đây, thăm khu trưng bày xe đạp cổ, cảm xúc của tôi về những kỷ niệm thời trai trẻ lại hiện về...".
Trò chuyện với chúng tôi, anh Tạ Minh Khang, Chủ nhiệm Câu lạc bộ xe đạp cổ Sấu Giá bộc bạch: Từ năm 2013, một số người thích xe đạp cổ đã thường xuyên gặp gỡ nhau vào dịp cuối tuần. Cảm giác đạp xe đến Nhà văn hóa thôn hay sân đình để hàn huyên ngày cuối tuần đã trở thành một nhu cầu giải trí không thể thiếu. Thành viên Câu lạc bộ đa dạng, người làm nghề y, kinh doanh đến những người nông dân... nhưng chúng tôi đều có chung đam mê với xe đạp cổ. Chiếc xe đạp cổ nhất của Câu lạc bộ là chiếc Peugeot sản xuất năm 1930.
Nói đến chơi đồ cổ không chỉ là một thú vui tao nhã mà nó còn gắn với vấn đề tài chính. Nhiều chiếc xe đạp nhìn đơn giản nhưng có giá tới hàng chục triệu đồng; có chiếc độc, lạ tới cả trăm triệu đồng... Số tiền lớn chi cho "đồ chơi" như vậy, đối với các bà, các mẹ, các chị ở vùng nông thôn là một sự “điên khùng", bởi cùng số tiền đó, họ có thể mua một chiếc xe máy đời mới, đi lại nhanh chóng, thuận tiện. Anh Nguyễn Phú Quyền ở thôn Diễm Xá (xã Đắc Sở), một thành viên tích cực của Câu lạc bộ cười vui: "May mắn là vợ con tôi ủng hộ nhiệt tình. Dù không mê xe cổ như các ông chồng, nhưng thấy mình vui là họ vui lây".
Chị Nguyễn Thị Lan, vợ của một trong các thành viên trong Câu lạc bộ xe đạp cổ Sấu Giá, chia sẻ: "Tôi nghĩ đây là một thú vui lành mạnh, "kể chuyện" cho con cháu về quá khứ, về niềm ao ước thời trẻ của thế hệ cha ông. Khi yêu xe đạp cổ, cuối tuần thong dong quanh xóm làng, thấy các ông ấy vui, thư thái là mình yên tâm"...
Thú chơi tao nhã đắt đỏ
Nói về xe đạp cổ, anh Nguyễn Như Vinh, thành viên Câu lạc bộ cho biết: Peugeot là loại xe đạp cổ đắt nhất hiện nay. Đây là thương hiệu xe của Pháp ra đời năm 1882, du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ trước. Hiện nay, những chiếc xe đạp Peugeot cổ trên thị trường có giá bán không hề rẻ. Một chiếc xe Peugeot cổ đời 1979-1980 có giá ít nhất từ 9 đến 10 triệu đồng; xe đời 1953-1954 có giá từ 40 đến 50 triệu đồng. Thậm chí, để có một chiếc xe ưng ý, giới sưu tầm có khi phải bỏ ra số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng vì loại xe này không còn nhiều, đời càng cũ thì càng khó kiếm.
"Đặc biệt, những chiếc xe Peugeot cổ được mệnh danh là "ông hoàng đường phố" không phải ai cũng đủ tiền để mua. Đối với những người chơi xe chuyên nghiệp, để định giá một chiếc xe đạp cổ có nhiều tiêu chí, nhưng nhìn chung, khung xe phải đẹp và còn nguyên, đặc biệt màu sơn phải giữ nguyên bản. Ngoài ra, tất cả phụ tùng theo xe còn nguyên bản và càng mới càng đắt, từ ghi đông, đèn, đũa, bao tay, pedan, bàn đạp..." - anh Vinh bật mí.
Vẫn theo anh Nguyễn Như Vinh, một chiếc xe đắt dĩ nhiên giá phụ tùng cũng không rẻ. Một cặp lốp giá hàng triệu đồng, một đôi vành nhôm có giá tới 4-5 triệu đồng... Chơi xe đạp cổ ngoài tốn tiền, việc săn được một chiếc xe như ý cũng mất nhiều thời gian. Đôi khi chỉ thiếu một hoặc hai chi tiết nhỏ trên một chiếc xe cũng làm chủ sở hữu của chúng phải đau đầu “tìm bạn chơi” trợ giúp. Có người phải bỏ tiền triệu mua xe cũ không thể sử dụng chỉ để lấy cái bàn đạp, biển số hay đôi phanh...
Những năm trở lại đây, thú chơi xe đạp cổ đang trở lại Hà Nội. Không ồn ào như những nhóm chơi xe phân khối lớn, xe địa hình..., chơi xe đạp cổ như một dòng chảy ngầm nhẹ nhàng, tĩnh lặng. Ngay ở vùng ven đô, thú chơi này cũng đang âm thầm phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, ngay từ đầu năm, Câu lạc bộ xe đạp cổ Sấu Giá đã "lên lịch" giao lưu với nhiều câu lạc bộ xe đạp khác trên địa bàn thành phố, như: Câu lạc bộ xe đạp Xưa và nay Hà Nội, Câu lạc bộ xe cổ Hà Thành, Câu lạc bộ xe đạp cổ Hà Đông, Hội chơi xe đạp cổ Đan Phượng...
Bất cứ ai khi về miền quê Sấu Giá, nếu bất chợt thấy ai đó đi xe đạp cổ trên những triền đê, đường làng, sẽ có một cảm xúc thật thanh bình, an yên...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.